Tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Thời gian qua, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được tập trung hoàn thiện để sớm trình lên Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 10 này.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tại nhà máy sản xuất của Công ty Pegatron Việt Nam, khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng. (Ảnh: Quang Dũng)
Lao động tại nhà máy sản xuất của Công ty Pegatron Việt Nam, khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng. (Ảnh: Quang Dũng)

Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn

Chiều 17/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian qua, cơ quan này đã tập trung hoàn thiện hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự thảo Luật hướng tới mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Dự thảo Luật hướng tới ba mục tiêu chính.

Thứ nhất, bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động.

Thứ hai, sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.

Thứ ba, mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 3 nội dung mới. Đó là: Trợ cấp hưu trí xã hội; quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật bỏ mục “Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” (đã được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động).

Cùng với đó, dự thảo Luật tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương: không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục bảo hiểm xã hội mà lồng ghép vào từng chế độ.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung 3 nội dung mới. Đó là: Trợ cấp hưu trí xã hội; quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Tới nay, dự thảo Luật được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều, tăng 1 chương và 11 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Bố cục của dự thảo Luật như sau:

Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều.

Chương II: Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo hiểm xã hội và Tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, gồm 11 điều.

Chương II: Trợ cấp hưu trí xã hội, gồm 5 điều.

Chương IV: Đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, gồm 13 điều.

Chương V. Bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm 54 điều.

Chương VI: Bảo hiểm xã hội tự nguyện, gồm 22 điều.

Chương VII. Quỹ Bảo hiểm xã hội, gồm 8 điều.

Chương VIII. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, gồm 5 điều.

Chương IX. Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, gồm 7 điều.

Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 3 điều.

Dự kiến, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ sớm được trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV trong cuối tháng 10 này.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8%.

Cơ quan này cũng hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 24/4/2023 về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân quốc về bảo hiểm xã hội.

Tới nay, dự thảo Luật được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều, tăng 1 chương và 11 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ sớm được trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV trong cuối tháng 10 này.

Ngoài ra, có văn bản chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương đề xuất phương án giải quyết dứt điểm đối với tình trạng thu bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật đối với chủ hộ kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023.

Chuyển biến tích cực về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội

Tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 1

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại họp báo.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho hay, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Ước đến ngày 31/8/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,501 triệu người (tăng 526 nghìn người, tương đương 3,1% so với cùng kỳ năm 2022). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14,297 triệu người (tăng 348 nghìn người, tương đương 2,59% so với cùng kỳ năm 2022).

Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39-40%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%, đạt mục tiêu.

Ước thực hiện cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39-40%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%, đạt mục tiêu.

Các cơ quan liên quan cũng tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Lũy kế số thu đến hết tháng 8 năm 2023 là 296.423 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cùng kỳ năm 2022. Ước chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế lũy kế đến hết tháng 8 năm 2023 là 283.183 tỷ đồng, tăng 13,38% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 27%, giảm 118,2 nghìn người so với cùng kỳ.

Con số thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,07 triệu người, giảm 13,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt hơn 111 nghìn người, bằng 101,37% kế hoạch năm 2023. Hiện nay, có khoảng hơn 650 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự kiến, trong năm nay sẽ có khoảng 125 nghìn lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá, trong 9 tháng đầu năm, nhiều lĩnh vực về lao động-việc làm khởi sắc sau đại dịch Covid-19. Cụ thể nhất là lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chỉ qua 9 tháng, con số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã vượt chỉ tiêu đề ra của năm, tạo điểm nhấn tích cực trong công tác tạo việc làm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng nhấn mạnh, ngành lao động-thương binh và xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Từ đó, kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động được chú trọng phát triển; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm. Việc làm và thu nhập của người lao động có tăng so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.