Tại hội nghị, các ý kiến đóng góp của đại biểu đã kiến nghị cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng có lợi hơn cho người lao động về chế độ hưu trí, chế độ thai sản đối với lao động nữ, xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cùng với đó, cần có thêm các chính sách để thu hút, giữ chân, hỗ trợ người lao động trong thời gian người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hay trợ cấp hàng tháng.
Vì sao nhiều chủ hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa được hưởng hưu trí?
Từ thực tiễn hoạt động, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai Phạm Minh Thành cho rằng, số người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có xu hướng tăng.
Cụ thể, từ năm 2016-2024, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 378.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần với số tiền đã chi trả gần 19.000 tỷ đồng.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành đóng góp ý kiến. |
Đa số lao động đề nghị giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, nữ cao hơn nam, độ tuổi nhiều nhất là trên 30 đến đủ 40 tuổi. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm cao nhất với hơn 68%.
Một trong những nguyên nhân khiến số lượng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng có liên quan các chính sách về bảo hiểm xã hội chưa thực sự hấp dẫn đối với người lao động. Việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hay lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cũng khiến nhiều người lao động lo lắng, dẫn đến rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 133 điều.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ có tác động đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội và mỗi người dân. Do đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.
Trên cơ sở những ý kiến tại hội nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai sẽ tổng hợp để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.