Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra bảo hiểm xã hội

Từ ngày 1/3/2024, cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức ra mắt. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ra mắt thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 1/3/2024. (Ảnh: TÂM TRUNG)
Ra mắt thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 1/3/2024. (Ảnh: TÂM TRUNG)

Trong hai ngày 25 và 26/4, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra năm 2024.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngày 1/7/2023, Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 có hiệu lực. Đặc biệt, ngày 11/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo đó, từ ngày 1/3/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra, giúp nâng cao vị thế của ngành với cơ quan Thanh tra được tổ chức như các bộ, nằm trong ngôi nhà chung “thanh tra Việt Nam”.

Từ ngày 1/3/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra, giúp nâng cao vị thế của ngành với cơ quan Thanh tra được tổ chức như các bộ, nằm trong ngôi nhà chung “thanh tra Việt Nam”.

Bên cạnh vị trí mới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, Luật và Nghị định đều có rất nhiều quy mới về công tác thanh tra. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn nhằm quán triệt, định hướng, hướng dẫn cụ thể các nội dung này; góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và kiểm tra việc thực hiện chính sách, giải quyết, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với các đơn vị trong và ngoài ngành.

Đánh giá các chuyên đề của hội nghị là rất quan trọng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, các đại biểu tập trung tiếp thu, thực hành để áp dụng tốt vào chuyên môn, nghiệp vụ tại địa phương, đơn vị. Đồng chí cũng yêu cầu các diễn giả trình bày các chuyên đề có trọng tâm, tập trung vào những vấn đề mới về chính sách, chế độ; đánh giá, phân tích những rủi ro, nhất là trong quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, công tác tài chính kế toán… để hội nghị cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra bảo hiểm xã hội ảnh 1
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VSS)

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe quán triệt, phổ biến bốn chuyên đề. Đó là: Một số nội dung của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần; Một số kỹ năng trong lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thông qua công tác kiểm tra.

Sau các chuyên đề, các đại biểu sẽ thảo luận, góp ý vào hai dự thảo. Cụ thể là: Dự thảo quy định quản lý công tác thanh tra và quy trình thực hiện thanh tra chuyên ngành của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam; Dự thảo quy định quản lý công tác kiểm tra và quy trình kiểm tra của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/3/2024, thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức ra mắt.

Từ năm 2016, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ giao đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả cao.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2023, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị (trong đó thanh tra chuyên ngành tại 69.282 đơn vị).

Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện, kiến nghị truy thu đối với gần 570.000 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng; tham mưu ban hành 5.171 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với tổng số tiền xử phạt là gần 229 tỷ đồng, số tiền phạt đã nộp về ngân sách nhà nước là gần 70 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2023, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị (trong đó thanh tra chuyên ngành tại 69.282 đơn vị).

Cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội cũng kiến nghị truy thu, thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là 23.790 tỷ đồng.

Những kết quả tích cực này góp phần rất lớn vào việc giảm tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, từ đó đảm bảo quyền lợi an sinh chính đáng cho người lao động trong thời gian qua.

Tính đến hết năm 2023, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây. Tỷ lệ này giảm từ 6% vào năm 2016 xuống còn 2,69% số phải thu.