Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm
Theo Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Cả Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.
Đối với Luật Bảo hiểm y tế, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng bảo hiểm y tế không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng.
Tuy nhiên, tại cả Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là trốn đóng do vậy, không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “trốn đóng” làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự. Vì vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính.
Hà Nội công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tháng trở lên, tháng 2/2024. |
Thực tế cho thấy, hiện nay trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đóng không đúng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định...
Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên. Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác.
Về nội dung này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Nghị quyết số 05/2019/HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng: “Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.
Tuy nhiên, do không có tách biệt rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nên có sự khác nhau trong việc hiểu và xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố cấu thành tội phạm giữa các văn bản.
Thực tiễn triển khai, cơ quan bảo hiểm xã hội không có khả năng, công cụ để xác định được các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán.
Trong thực tế, khi một doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc phân biệt có sự “gian dối” (hay chỉ là nợ vì khó khăn khách quan) không dễ để có thể xác định, nhất là đối với trường hợp, việc nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có thể vì khó khăn chung của doanh nghiệp. Do vậy, tình hình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn diễn biến phức tạp và chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.
Đề xuất hoàn thiện chính sách
Trước đó, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính từ năm 2018 đến hết ngày 31/12/2023, toàn ngành đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra, trong đó có 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế, 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Riêng trong năm 2023, toàn ngành phát sinh 26 hồ sơ kiến nghị khởi tố (17 hồ sơ theo Điều 214, 01 hồ sơ theo Điều 215, 8 hồ sơ theo Điều 216).
Tính đến nay, đã có 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan bảo hiểm xã hội là khoảng 2,7 tỷ đồng. Số tiền cơ quan bảo hiểm xã hội đã thu hồi được từ thi hành án đạt khoảng 2,4 tỷ đồng (chiếm 88,5% số tiền phải thi hành án); 220 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.
Từ năm 2018 đến hết ngày 31/12/2023, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra.
Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cần thiết nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong các dự thảo luật sửa đổi sắp tới. Cụ thể là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều này bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức, thực hiện theo hướng quy định rõ các trường hợp chậm đóng (Quá thời hạn quy định của Luật mà người sử dụng lao động không đóng, hoặc không đóng đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký...) và trốn đóng (không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định; trường hợp chuyển hóa từ chậm đóng sang trốn đóng...) cùng với việc bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý hành vi này.