Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh” với lao động phi chính thức

Sáng 23/4, tọa đàm “Giảm nguy cơ lọt lưới an sinh” tập trung về chủ đề thu hút lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội đã diễn ra tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: KHÁNH HUY.
Ảnh: KHÁNH HUY.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, cho biết, tọa đàm này nằm trong khuôn khổ chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng năm 2024” do Báo Kinh tế và Đô thị, tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp triển khai.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại 97,9% người lao động không tham gia loại bảo hiểm nào, dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động.

Việc chăm lo đến chính sách an sinh xã hội nói chung cho toàn dân, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, cần được quan tâm nhiều hơn. Với nhóm đối tượng lao động phi chính thức, hiện vẫn còn đang rất ít người tham gia bảo hiểm xã hội. Thậm chí, người lao động thuộc nhóm này còn chưa được truyền thông, hoặc hiểu sâu về những lợi ích của việc tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó, họ phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, giờ lao động, chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau...

Lao động phi chính thức có rất ít người tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, họ phải chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cơ bản.

Tọa đàm lần này có sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ các cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, tổ chức công đoàn, cơ sở nghiên cứu.

Các đại biểu đã chia sẻ ý kiến về những khó khăn, trở ngại mà người lao động ở khu vực phi chính thức gặp phải khi tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị trong việc sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội để có thể thu hút thêm nhiều lao động ở khu vực phi chính thức được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống cho họ đến khi hết tuổi lao động.

Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh” với lao động phi chính thức ảnh 1

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: KHÁNH HUY)

Tọa đàm tập trung nhiều chủ đề quan trọng. Cụ thể như: Những khó khăn, trở ngại với lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; chế tài xử lý với các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi của người lao động; giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đối với lao động khu vực phi chính thức; chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; những điểm mới mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Chủ tịch AFV Tạ Việt Anh cho biết, sau 15 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1,45 triệu người và là một con số này còn khiêm tốn. Những rào cản về chính sách khiến người lao động khu vực phi chính thức còn đắn đo khi tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Dự thảo Luật Bảo hiểm (sửa đổi) lần này được Chính phủ trình Quốc hội bám sát 5 định hướng đã được thông qua. Đó là: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định các nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần; về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Tọa đàm về giảm nguy cơ "lọt lưới an sinh" được tổ chức trước thềm Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới. Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Do đó, những đề xuất, khuyến nghị trong tọa đàm sẽ góp thêm tiếng nói để các đại biểu Quốc hội tham khảo và đưa ra quyết định thấu đáo trước khi bấm nút thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).