Thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường. Sau khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường, tổ chức bộ máy chính quyền phường được tinh gọn, song vẫn bảo đảm hoạt động hiệu quả, nhanh nhạy, thông suốt hơn.
Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Ủy ban nhân dân phường được tăng cường. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp chuyển biến tích cực, rõ nét, đi vào thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả, có nhiều đổi mới.
Việc thực hiện các cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Thành phố đã sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển.
Nhờ có cơ chế này, Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương khác 230 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình trường học và thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội. Thành phố cũng cho phép các quận sử dụng 1.012 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng nông thôn mới…
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô, từ năm 2022 đến nay, Hà Nội phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo năm quan điểm, trong đó sẽ thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội được quy định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý để giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ… Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã đăng tải dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Thành phố sẽ tổ chức tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật.
Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị kỹ càng, bài bản và khoa học như vậy, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được hoàn thành đúng thời hạn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an toàn, phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.