Sức sống ca trù ở thành phố Cảng

Ca trù - một loại hình diễn xướng dân gian bằng âm nhạc thính phòng từng chiếm vị trí hàng đầu trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam và rất thịnh hành ở khu vực Bắc Bộ. Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay, nghệ thuật ca trù truyền thống đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, đặc biệt cả giới trẻ tại thành phố Hải Phòng.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân ca trù trình diễn tại sân khấu Nhà Kèn (Hải Phòng).
Các nghệ nhân ca trù trình diễn tại sân khấu Nhà Kèn (Hải Phòng).

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng Đỗ Thị Khánh Hương, nét độc đáo của ca trù là người thưởng thức cũng chính là một thành tố của loại hình diễn xướng này. Khi đào nương, kép đàn trình diễn, quan viên chính là người cầm roi chầu. Những tiếng trống chầu chính là lời “bình phẩm” của quan viên, để kép đàn, ca nương từ đó điều chỉnh ngón đàn nhịp phách, cách nhả chữ buông câu…

Nghệ thuật ca trù thể hiện chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn của cộng đồng người Việt. Nói đến ca trù Hải Phòng phải nói tới làng Đông Môn, xã Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên), nơi từng được coi là cái nôi của ca trù vùng duyên hải Bắc Bộ, sản sinh nhiều kép đàn, đào nương nổi tiếng như cụ Tô Tiến, cụ Phạm Thị Hợp, cụ Hội Thị...

Hiện nay, nghệ thuật ca trù truyền thống tại thành phố Hải Phòng đã được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cả giới trẻ. Từ Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng với vài ba hội viên ban đầu cách đây 30 năm, đến nay, Hải Phòng đã có năm câu lạc bộ, giáo phường ca trù với số lượng hội viên đông đảo.

Có người đã được phong Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú, nhiều ca nương, kép đàn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Nghệ thuật ca trù không chỉ được trình diễn trong các dịp lễ, đón năm mới hay các ngày lễ trọng, sự kiện văn hóa lớn mà hằng tuần, tại đình Kênh (quận Lê Chân) hay đình Đông Môn diễn ra các buổi sinh hoạt và biểu diễn của các hội viên - những người luôn miệt mài, say mê với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Trần Thị Hoàng Mai cho hay, thành phố Hải Phòng không chỉ quan tâm, động viên các giáo phường, câu lạc bộ, các nghệ nhân ca trù hoạt động, mà còn có nhiều giải pháp tích cực, thiết thực tạo điều kiện để nghệ thuật ca trù được lưu giữ, phát triển và lan tỏa rộng khắp…

Trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo phường Ca trù Hải Phòng tháng 4 vừa qua, tại Hải Phòng đã diễn ra Liên hoan nghệ thuật Ca trù Hải Phòng mở rộng. Đây là lần thứ 2 Liên hoan nghệ thuật Ca trù được tổ chức tại Hải Phòng. Liên hoan đã hội tụ nhiều đào nương, ca nương, kép đàn, quan viên của các giáo phường, câu lạc bộ ca trù các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa…

Mới đây nhất, giữa tháng 5 vừa qua, một chương trình quảng bá, giới thiệu nghệ thuật ca trù - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO ghi danh đã được trình diễn sôi động tại thành phố Cảng. Hàng nghìn người dân và du khách đã ngồi chật kín tại vườn hoa Nguyễn Du chung quanh sân khấu Nhà Kèn để xem trình diễn ca trù. Những tràng pháo tay không ngớt cổ vũ, ngợi khen sự quyến rũ, thanh tao của nghệ thuật ca trù qua phần trình diễn của ca nương Nguyễn Thị Thắm với “Hoa Phong lan”, ca nương Hồng Ngọc với “Đào Hồng, Đào Tuyết”, Nghệ nhân Ưu tú Thu Hằng với “Dồn Đại Thạch” hay hát múa bỏ bộ…

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian truyền thống của Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng chia sẻ, ca trù độc đáo, đặc sắc nhưng rất khó học, khó hát. Vốn tiếp thu được truyền thống nghệ thuật của gia đình, cùng với tình yêu, lòng đam mê nghệ thuật truyền thống và sự truyền dạy của các thế hệ đi trước… đã đưa chị bén duyên và gắn bó với nghệ thuật ca trù. Và mong muốn của những người đam mê nghệ thuật dân gian như nghệ nhân Thu Hằng thì Di sản văn hóa phi vật thể ca trù không chỉ được khôi phục, bảo tồn, mà cần được lan tỏa và phát huy giá trị trong đời sống.