Đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Liên hoan Múa dân gian, với ba loại hình múa dân gian gồm: Múa rồng, múa sư tử và múa sênh tiền. Đáng chú ý, huyện Thanh Trì có 16 xã, thì có tới 48 đội tham gia dự thi. Mỗi xã cử tới ba đội, tham gia đủ ba nội dung. Điều đó cho thấy sức sống của các loại hình nghệ thuật dân gian trong đời sống người dân.
Với sự tập luyện kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo từ hình rồng múa, trang phục biểu diễn, âm nhạc, trống, thanh la... nhiều đội thi mang đến liên hoan những màn biểu diễn đặc sắc, đẹp mắt, được đông đảo khán giả cổ vũ. Trong các nội dung, những màn múa rồng đem đến không khí lễ hội tưng bừng, sôi nổi nhất. Các địa bàn có truyền thống múa rồng tại Thanh Trì là thị trấn Văn Điển, các xã: Triều Khúc, Tứ Hiệp, Yên Mỹ, Vĩnh Quỳnh...
Xã Yên Mỹ được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rồng. Gắn bó với múa rồng đã hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Long, Đội trưởng đội múa rồng xã Yên Mỹ đã cùng gần 30 thành viên của đội múa nỗ lực duy trì nét văn hóa đẹp này ở địa phương.
Anh Long cho biết, đội múa rồng xã Yên Mỹ quy tụ nhiều bạn trẻ yêu môn nghệ thuật truyền thống này. Anh và các thành viên trong đội luyện tập để con rồng có thể tạo nhiều tư thế đẹp như: Rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc... Nếu như múa lân chỉ cần vài người thì mỗi màn múa rồng phải huy động hàng chục người, có khi đến 20 người. Việc luyện tập đòi hỏi công phu để có thể phối hợp nhịp nhàng, các động tác vũ đạo sinh động.
Để có được phong trào văn nghệ dân gian sôi nổi, từ năm 2010, huyện Thanh Trì triển khai đề án “Hỗ trợ đầu tư khôi phục và phát triển các điệu múa cổ, múa dân gian trên địa bàn huyện”. Tại thời điểm triển khai đề án, huyện có 17 đội múa rồng, 14 đội múa sư tử, 27 đội múa sênh tiền. Tuy nhiên, một số đội hoạt động không thường xuyên, gặp khó khăn về cơ sở vật chất.
Triển khai đề án, Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí tập luyện, mời các nghệ sĩ về tập huấn cho nghệ nhân và tổ chức nhiều liên hoan để các đội văn nghệ có dịp thi thố, cọ xát...
Nhờ có sự quan tâm này, những điệu múa dân gian trên địa bàn được khôi phục, phát triển. Trong đó, các đội múa rồng của Thanh Trì luôn đoạt giải cao ở nhiều cuộc thi cấp thành phố.
Các màn múa rồng không chỉ xuất hiện trong lễ hội mà còn được trình diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của thành phố như một niềm tự hào. Màn diễu hành đường phố tại Festival Mùa thu diễn ra đầu tháng 10 năm nay chứng kiến một màn múa rồng “mãn nhãn”, với sự tham gia của 30 con rồng, tượng trưng cho 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Song, điều đáng nói, toàn bộ màn trình diễn quy mô đó được thực hiện bởi các đội múa rồng trên địa bàn huyện Thanh Oai - một trong những địa phương có phong trào múa rồng phát triển tại Hà Nội. Huyện Thanh Oai hiện có 22 Câu lạc bộ Múa rồng, cứ mỗi dịp lễ hội hay các dịp kỷ niệm, những tiết mục “cây nhà lá vườn” lại khiến không khí trở nên tưng bừng, sôi nổi. Chỉ riêng năm 2023, huyện có tới hai liên hoan: Liên hoan Múa lân, sư, rồng nghệ thuật (nhân dịp Lễ hội chùa Bối Khê), Liên hoan Múa rồng huyện Thanh Oai lần thứ nhất (nhân dịp Lễ hội Bình Đà, nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân).
Tuy là “cây nhà lá vườn”, nhưng nhờ thường xuyên luyện tập, giao lưu, cho nên các màn trình diễn hết sức chuyên nghiệp, có nội dung và được các nghệ nhân thể hiện với nhiều động tác kỹ thuật khó, điêu luyện. Thí dụ như tại Liên hoan nghệ thuật Múa rồng huyện Thanh Oai lần thứ nhất, các xã đem đến những tiết mục độc đáo như: “Song Long hội tụ” (xã Dân Hòa), “Con Rồng cháu Tiên mừng lễ Tổ” (xã Thanh Mai), “Thiên Long giáng trần” (xã Phương Trung), “Dòng chảy lịch sử hào khí Việt Nam” (xã Hồng Dương)...
Rồng là một con vật linh thiêng trong quan niệm của người Việt, còn múa rồng là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Bởi vậy, chúng tôi luyện tập, biểu diễn không chỉ vì đam mê, mà còn vì trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của cha ông.
Anh Trần Văn Quang, đội múa rồng xã Cao Dương
Ngoài ra, còn nhiều huyện như Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ... có phong trào múa rồng phát triển. Từ những “hạt nhân” của cơ sở, chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ, giúp các Câu lạc bộ Múa rồng (hoặc Câu lạc bộ Lân, sư, rồng) tập luyện, biểu diễn, qua đó, phát triển phong trào.
Huyện Đông Anh đến nay đã qua sáu lần tổ chức Liên hoan Múa lân, sư, rồng - đây là môi trường các nghệ nhân “làng” được cọ xát, thi thố, qua đó khơi dậy đam mê. Đi kèm với múa rồng thường là các màn biểu diễn trống hội, múa lân... Vì thế, khi múa rồng phát triển, thì nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian khác cũng hồi sinh, giúp đời sống văn hóa cộng đồng thêm phong phú, bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống.