Sóc Trăng: Khôi phục sức sống trang phục dân tộc thiểu số

NDO - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là chủ trương đang được các địa phương quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi .
0:00 / 0:00
0:00
Trang phục dân tộc được cấp cho các em học sinh Trường dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng).
Trang phục dân tộc được cấp cho các em học sinh Trường dân tộc nội trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng).

Sóc Trăng là tỉnh nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã tạo nên văn hóa Sóc Trăng phong phú và đa dạng mang nhiều bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Cùng với tiếng nói, chữ viết, lễ hội văn hóa, phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống, thì trang phục là phương tiện cấu thành và dấu hiệu nhận diện và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. Do vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang được thực hiện.

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của trang phục dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với sự tham dự có lãnh đạo tỉnh cùng nhiều nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Sóc Trăng: Khôi phục sức sống trang phục dân tộc thiểu số ảnh 1

Trình diễn văn nghệ với trang phục dân tộc Khmer trong dịp lễ hội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm khẳng định, Việt Nam có 54 dân tộc cùng cộng cư sinh sống, mỗi dân tộc đều giữ cho mình những nét văn hóa và trang phục truyền thống đặc trưng. Đây chính là vốn quý, là phần hồn, cốt cách của mỗi dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển bền vững văn hóa, làm cho trang phục truyền thống phổ biến, nâng cao lòng tự hào dân tộc. Lan tỏa ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” tại tỉnh Sóc Trăng được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2019 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030, gồm các nội dung: Tổ chức khảo sát, đánh giá, tiến hành kiểm kê và lập danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; tổ chức tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn phát triển du lịch…

Sau 4 năm triển khai thực hiện công tác kiểm kê trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, tỉnh đã sưu tầm được 28 bộ trang phục truyền thống dân tộc Khmer; dân tộc Hoa; trang phục sân khấu Rô băm; tổ chức 1 lớp tập huấn cho công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa.

Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện tốt công tác chỉnh lý, bảo quản trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; xây dựng được 3 bộ sưu tập trang phục gồm 38 đơn vị hiện vật: Bộ sưu tập trang phục đám cưới truyền thống của dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, trang phục dân khấu Dù kê. Triển khai tài trợ 600 bộ trang phục dân tộc cho học sinh trong các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên 2 buổi/tuần và vào các dịp lễ, tết.

Sóc Trăng: Khôi phục sức sống trang phục dân tộc thiểu số ảnh 2

Trang phục truyền thống không thể thiếu tại các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của trang phục truyền thống” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, các cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu văn hoá đã đánh giá khái quát cơ sở lý luận cũng như thực tiễn cần thiết phải bảo tồn trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn khác nhau luôn có những chỉ đạo xuyên suốt trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên mọi miền tổ quốc nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Vai trò của bảo tàng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số với nhiều hình thức khác nhau.

Các ý kiến đã làm rõ vai trò quan trọng trang phục truyền thống trong đời sống của người dân trong mọi hoàn cảnh như: cưới hỏi, sinh hoạt hàng ngày hay khi tham gia các sự kiện, lễ hội… những khó khăn và giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

Sóc Trăng: Khôi phục sức sống trang phục dân tộc thiểu số ảnh 3

Trang phục dân tộc Hoa ở Sóc Trăng.

Theo Nghệ sĩ ưu tú - Thạc sỹ Lâm Vĩnh Phương đã đánh giá thực tế hiện nay trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang ngày càng mai một và biến dạng, có không ít dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống của mình, hoặc thay đổi cách ăn mặc. Ngày nay, đồng bào dân tộc thiểu số thường chọn cách ăn mặc theo kiểu hiện đại hay cách tân, làm mới trang phục truyền thống cho tiện công việc. Mặt khác, việc sản xuất công nghiệp trang phục truyền thống đã thay thế việc sản xuất thủ công, dẫn tới các họa tiết, hoa văn, đường nét tinh tế trên trang phục không còn nguyên gốc.

Nhận thấy được nguy cơ mai một của trang phục truyền thống nên Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đưa nội dung “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, địa phương đã lồng ghép bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống vào phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, khai thác loại hình này trở thành thế mạnh trong tương lai.