Sóc Trăng chú trọng phát triển kinh tế du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tếxã hội. Kinh tế du lịch là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn đang được chú trọng đầu tư và ngày càng có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế chung của tỉnh Sóc Trăng.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu chỉ đạo các giải pháp phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu chỉ đạo các giải pháp phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với quan điểm “du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, văn hóa, con người Sóc Trăng”.

Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 17 về Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh Sóc Trăng đã và đang tập trung phát triển du lịch với định hướng “phát triển du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội… nâng tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa”.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự hỗ trợ rất lớn của Trung ương, ngành du lịch Sóc Trăng đã có những bước chuyển biến rất tích cực: Tỉnh được công nhận 8 di tích cấp quốc gia, 43 di tích cấp tỉnh, 8 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là năm 2022 Tổ chức Guinness Việt Nam đã công nhận Kỷ lục Guinness “Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất” Việt Nam từ năm 2005 đến nay.

Sóc Trăng chú trọng phát triển kinh tế du lịch ảnh 1

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tại Sóc Trăng thu hút du khách, nhất là dịch vụ ẩm thực có sự giao thoa văn hóa ba dân tộc.

Trong thời gian qua, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Trung ương, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Sóc Trăng, kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 đạt 7,71%; mức cao nhất trong 10 năm qua, là kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được trong năm kỷ niệm lần thứ 30 tái lập tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù, bối cảnh kinh tế của cả nước nói chung và của Sóc Trăng nói riêng còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Sóc Trăng ước đạt 5,14%.

Kết quả nêu trên có sự đóng góp quan trọng của ngành du lịch, nổi bật trong năm 2022 là tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỷ đồng; số lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 2,8 lần và doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng 3,5 lần so với năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ.

Với những tiềm năng, thế mạnh và nét đặc trưng riêng, Sóc Trăng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc trưng về du lịch văn hóa tâm linh qua những ngôi chùa, du lịch văn hóa lễ hội gắn với Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, du lịch biển... Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, du lịch của Sóc Trăng hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đặc trưng theo nhận định của quý đại biểu.

Để Sóc Trăng bứt phá vươn lên, tỉnh đang tập trung triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch, quan trọng của vùng, gồm: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nổi bật là tuyến động lực ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dự án cầu Đại Ngãi kết nối tuyến Quốc lộ 60 đến các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, phát triển hành lang kinh tế ven biển gắn với dịch vụ logistics, các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư 2 dự án thuộc lĩnh vực du lịch gồm: dự án Sân golf tại xã Song Phụng, huyện Long Phú, với tổng diện tích khoảng 90 hecta và dự án Khu lâm viên, vui chơi giải trí, tham quan du lịch tại thành phố Sóc Trăng, với tổng diện tích trên 20 hecta.

Đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 995 ngày 25/8/2023 quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là niềm vui chung của tỉnh Sóc Trăng và là khung pháp lý quan trọng, làm căn cứ để triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án… Cơ hội để tỉnh tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực và dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như là du lịch văn hóa, ẩm thực, tâm linh, lễ hội, sinh thái biển…

Để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đề án tổng thể và phát triển du lịch, đồng chí Trần Văn Lâu chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đặc biệt là ở các khu, điểm du lịch.

Tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về phát triển du lịch gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thực hiện chuyển đổi số trong du lịch.

Sóc Trăng chú trọng phát triển kinh tế du lịch ảnh 2

Văn hóa dân tộc Khmer Sóc Trăng đã tạo ra sự khác biệt các hoạt động du lịch ở Sóc Trăng.

Tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch gắn với kêu gọi đầu tư về du lịch để phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch phát triển du lịch theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất các Vụ, Cục của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quan tâm đầu tư bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho nhân lực ngành du lịch.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 05 của Hội đồng nhân dân tỉnh bằng nhiều hình thức phù hợp; phối hợp với các sở, ban ngành hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình được hưởng chính sách phát triển du lịch theo quy định.