SEA Games 31: Đội nhảy cầu quyết tâm mang về tấm huy chương đầu tiên

NDO -

Theo nhận định của giới chuyên môn, do không có môi trường để thi đấu cọ xát, cơ hội giành được 1 huy chương Vàng của đội tuyển nhảy cầu Việt Nam tại SEA Games 31 là khá hẹp.

Vận động viên Ngô Phương Mai (áo đỏ) hăng say tập luyện cùng đồng đội. (Ảnh: TTXVN)
Vận động viên Ngô Phương Mai (áo đỏ) hăng say tập luyện cùng đồng đội. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn thể thao Việt Nam đã chính thức ra quân tại SEA Games 31 bằng chiến thắng ấn tượng 3-0 của đội tuyển U23 quốc gia trước U23 Indonesia trong khuôn khổ bảng A môn bóng đá nam vào ngày 6/5.

Cũng trong ngày 6/5, đội tuyển bóng ném bãi biển nam cũng đã bước vào thi đấu vòng loại tại Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh).

Đến ngày 8/5, môn nhảy cầu sẽ khởi tranh tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội). Đây là ngày thi đấu đầu tiên có nội dung thi chung kết và trao huy chương của SEA Games 31.

Chương trình thi đấu của môn nhảy cầu gồm 8 nội dung (diễn ra từ ngày 8 đến 11/5). Đội tuyển nhảy cầu Việt Nam tham dự gồm 9 vận động viên.

Theo nhận định của huấn luyện viên trưởng Trương Anh Tài, “cơ hội tranh chấp huy chương của nhảy cầu Việt Nam là khá mong manh”.

Khó khăn lớn nhất của đội tuyển nhảy cầu là không có môi trường để thi đấu cọ xát và thường xuyên tập luyện trên cạn. Tập trung từ đầu tháng 1/2022 để chuẩn bị cho SEA Games 31 nhưng phải đến tháng 3, toàn đội mới được tập tại bể của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội.

Đến ngày 25/4, thầy trò huấn luyện viên Trương Anh Tài mới được tập làm quen với bể thi đấu ở SEA Games 31 tại Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình.

Theo nhận định của giới chuyên môn, nhìn vào thành tích 1 huy chương Đồng do vận động viên Ngô Phương Mai giành được ở nội dung đơn nữ 3m cầu mềm tại SEA Games 30 vào năm 2019, cơ hội giành được 1 huy chương Vàng của đội tuyển nhảy cầu Việt Nam tại SEA Games 31 là khá hẹp.

Huấn luyện viên Trương Anh Tài chia sẻ: “Chúng tôi đặt mục tiêu là đổi màu huy chương tại SEA Games 31 nhưng thực tế rất khó khăn. Quá trình tập luyện vừa qua, Ban huấn luyện chủ yếu giúp các vận động viên giảm thiểu sai sót trong khi thực hiện động tác chứ chưa thể đặt ra yêu cầu quá cao”.

Hơn nữa, từ tình hình thực tế cho thấy, trình độ giữa vận động viên Việt Nam với đối thủ chính là Malaysia vẫn còn khoảng cách khá lớn và không dễ để làm nên bất ngờ ở thời điểm hiện tại.

Trước khi SEA Games 31 diễn ra, đội tuyển nhảy cầu Malaysia đã đặt mục tiêu giành trọn 8 huy chương Vàng. Tổng thư ký Hiệp hội bơi Malaysia, bà Mae Chen phát biểu với báo chí rằng: “Chúng tôi hy vọng sẽ giành cả 2 huy chương Vàng đầu tiên của SEA Games 31” (diễn ra vào ngày 8/5).

Năm 2021, tại SEA Games 30, Malaysia cũng đã giành trọn cả 4 huy chương Vàng ở môn này. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Malaysia muốn tiếp tục đứng nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam.

Ngoài Ngô Phương Mai, đội tuyển nhảy cầu Việt Nam vẫn còn một hy vọng có thể tranh chấp huy chương tại SEA Games 31 là Nguyễn Tùng Dương, người từng giành hạng 4 cầu mềm 3m nam tại SEA Games 30.

Hy vọng với điểm tựa tinh thần khi thi đấu trên sân nhà và chút lợi thế nhờ việc được làm quen sớm điều kiện thi đấu, các tuyển thủ của bộ môn nhảy cầu sẽ là người “mở hàng” huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.