Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 có nhiều lợi thế: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đạt chuẩn quốc tế; các nguồn điện, nước, khí gas... được cung cấp ổn định tới tận hàng rào của các nhà máy; thuận tiện, kết nối dễ dàng, nhanh chóng về giao thông, vận tải cả đường bộ lẫn đường biển. Chủ đầu tư khu công nghiệp luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường và đồng hành, hướng dẫn các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp tuân thủ các quy định này; công tác quản lý, giám sát môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố được tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả…
Bên cạnh cơ sở hạ tầng được quy hoạch đồng bộ, hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có đầy đủ các công năng, dịch vụ tiện ích phục vụ nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động, khu công nghiệp còn có khu nhà ở cho chuyên gia, công nhân, công viên rộng gần 100 ha, sân golf 18 lỗ, sân bóng đá, sân quần vợt, sân cầu lông, hồ bơi, trung tâm thương mại-dịch vụ, trạm y tế, trường mầm non... Những yếu tố này, giúp Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 trở thành địa điểm hấp dẫn cho phát triển công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã, đang là hình mẫu, định hướng tương lai cho cả 15 khu công nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 2017, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, JICA đã tiến hành khảo sát thực trạng phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm có cơ sở để xây dựng chiến lược tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng của tỉnh.
Trên cơ sở khảo sát, JICA đã đề xuất chương trình "Sáng kiến phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu", gọi tắt là chương trình PBEG. PBEG được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt vào tháng 9/2018. Chương trình có ba mục tiêu: Tăng gấp đôi GDP sau 15 năm, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu thành tỉnh tiên tiến về tăng trưởng xanh của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tỉnh sẽ trở thành trung tâm logistics quốc tế. Ðến nay, tỉnh đã thành lập được 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.510 ha. Trong 15 khu công nghiệp, có 13 khu công nghiệp đang hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung hoạt động ổn định và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải theo quy định pháp luật.
Tính đến tháng 10/2023, các khu công nghiệp trong tỉnh có 571 dự án đầu tư trong và ngoài nước còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi hơn 23,435 tỷ USD; trong đó, có 284 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 13,738 tỷ USD và 287 dự án trong nước. Nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới và Việt Nam đã chọn Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm đến để đầu tư như Wanek, Lock&Lock, Posco, Marubeni, Hyosung, Austal, CJ Cheiljedang, Sojitz, Nitori, Heineken, Pomina, Tổng Công ty Viglacera, Tập đoàn Hoa Sen... Các doanh nghiệp trên đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực quan trọng như sản xuất điện, thép, đóng tàu, vật liệu xây dựng, hóa dầu, dịch vụ dầu khí, công nghiệp hỗ trợ gắn liền với phát triển hệ thống cảng và dịch vụ logistics cảng biển…
Từ thành công của Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 nói riêng, các khu công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung, các chuyên gia cho rằng: Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như vùng Ðông Nam Bộ cần nhanh chóng có lộ trình phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ðây là đòi hỏi, yêu cầu tất yếu, cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết, có hiệu lực bắt buộc hàng hóa xuất, nhập khẩu phải bảo đảm yếu tố xanh, thân thiện và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, khu công nghiệp sinh thái với hoạt động sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn là lợi thế lớn trong việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp FDI rất quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; hướng đến các giá trị, chuẩn mực về môi trường, xã hội và quản trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Không những vậy, việc đẩy mạnh triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết.
Do vậy, từ thực tiễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu, để phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, các địa phương cần phải xem xét kỹ lợi thế của mình rồi định hướng chiến lược thu hút đầu tư và phải kiên trì với mục tiêu đó. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là chủ đầu tư khu công nghiệp, chính quyền phải hiểu, lắng nghe, đồng hành với doanh nghiệp, nhất là những nhà đầu tư lớn. Tiếp đó, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chủ động xây dựng những chính sách, cơ chế thuận lợi, khuyến khích phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái và kinh tế cộng sinh, tuần hoàn, nhất là những chính sách về tài chính, đất đai, thuế... Ðồng thời, tỉnh kiến nghị Trung ương sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản và hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự hình thành các khu công nghiệp sinh thái.