Quan tâm đầu tư hạ tầng cho xe đạp công cộng

Từ ngày 1/2, Hà Nội chính thức tổ chức giao thông tuyến đường ven sông Tô Lịch, đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa dài 2,3 km, từ đường dành cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, đường cho xe đạp tổ chức giao thông hai chiều, rộng 3m, bố trí làn đường phía mép sông Tô Lịch; đường đi bộ rộng 1m bố trí phía sát đường Láng. Trên tuyến còn bổ sung sáu trạm xe đạp công cộng gần các điểm dừng, chờ xe buýt; một trạm xe đạp tại Ga S8 của tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn-ga Hà Nội. Tuyến đường dành cho xe đạp có khả năng kết nối ga Láng của đường sắt Cát Linh-Hà Ðông và ga số 8 của đường sắt Nhổn-ga Hà Nội (sẽ đưa vào vận hành đoạn trên cao Nhổn-Cầu Giấy trong quý II/2024). Ðơn vị vận hành dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng cho biết, sẽ bổ sung khoảng 100 xe đạp thường và xe trợ điện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Trước đó, từ cuối tháng 8/2023, Hà Nội đã đưa vào khai thác dịch vụ cho thuê xe đạp, xe đạp điện công cộng đầu tiên và nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân cũng như khách du lịch. Với sự linh hoạt, chi phí thấp, dịch vụ xe đạp công cộng kết nối người dân với mạng lưới vận tải hành khách công cộng rất hữu hiệu. Phát triển dịch vụ xe đạp công cộng sẽ hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như đường sắt đô thị, xe buýt, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện. Thành phố Hà Nội có nhiều phố nhỏ, hẹp cho nên điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lớn còn nhiều bất cập, chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, xe đạp sẽ là phương tiện trung chuyển và kết nối phù hợp.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Giao thông vận tải) cho rằng: "Ðể triển khai dịch vụ xe đạp công cộng, thời gian tới, thành phố cần quan tâm về điều kiện hạ tầng dành cho loại phương tiện này và coi đây là một trong những cấu phần vận tải nói chung". Thời gian qua, dịch vụ xe đạp công cộng đã được người dân đón nhận, hưởng ứng tốt, tuy nhiên việc bố trí nhiều điểm đỗ xe đạp công cộng vẫn ở ngoài trời, thời gian để lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phương tiện, nhà đầu tư cần lưu tâm hơn trong việc bảo quản, bảo đảm chất lượng. Tại các khu vực nhà ga của đường sắt đô thị, bến xe cần dành một phần diện tích có mái che cho xe đạp công cộng. Ngoài ra, để người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng, cần có khu vực đỗ xe ưu tiên cho xe đạp.

Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc hình thành các tuyến đường dành riêng cho loại hình giao thông này trong khu vực nội đô, nhằm tạo thuận lợi cho loại hình giao thông truyền thống này phát triển mạnh hơn.