Ngăn chặn thực phẩm bẩn

Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu. Các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp kiểm soát thị trường thực phẩm để ngăn ngừa thực phẩm “bẩn” gây ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường thành phố kiểm tra hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. (Ảnh Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh)
Lực lượng quản lý thị trường thành phố kiểm tra hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. (Ảnh Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh)

Báo động tình trạng ngộ độc sau bữa ăn

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra nhiều vụ nhập viện cấp cứu do nghi ngộ độc thực phẩm.

Mới nhất, ngày 7 và 8/5, 21 sinh viên có triệu chứng mệt, đau bụng, nôn ói... được chuyển đến Trạm Y tế của Trung tâm Quản lý ký túc xá (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) sau khi ăn uống tại một căng-tin thuộc Khu B của ký túc xá.

Sau đó, các sinh viên này được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức để chữa trị; đến nay, các sinh viên đã ổn định sức khỏe. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra, tìm nguyên nhân.

Trước đó, ngày 4/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị hai trường hợp trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ở trường học... Chỉ tính mấy ngày đầu tháng 5/2024 đến nay, liên tiếp có hàng chục học sinh của bốn trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thủ Đức, phải nhập viện do nghi bị ngộ độc thực phẩm...

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp, ngày 3/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý tình trạng này. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các địa phương được giao chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố. Các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Truy thực phẩm không rõ nguồn gốc

Để bảo vệ người tiêu dùng, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai kiểm soát chặt thị trường, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, chứa, trữ thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mới đây, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp cơ quan công an kiểm tra một điểm kinh doanh hàng hóa tại phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, phát hiện, tạm giữ 7,8 tấn thực phẩm đông lạnh các loại là nội tạng động vật không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi hạn sử dụng, không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa đúng theo quy định.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2024, Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp lực lượng công an kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa tại phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện một điểm kinh doanh tại đây không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định, đang chứa, trữ hàng hóa gồm hơn hai tấn thực phẩm đông lạnh các loại là nội tạng động vật, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng hơn hai tỷ đồng.

Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, nhất là trong các dịp lễ, Tết, các đối tượng vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân đã cố tình đưa ra thị trường các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí gây nguy hại tới tính mạng của người sử dụng.

Do đó, Cục Quản lý thị trường thành phố luôn tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, bảo đảm ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, triển khai Kế hoạch số 364/KH-BCĐTƯATTP ngày 27/3/2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường thành phố chỉ đạo các đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và tổ chức thực hiện giám sát, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trong đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các điểm trung chuyển hàng hóa, kho hàng, các giao dịch thương mại điện tử chào bán, quảng cáo thực phẩm để kịp thời phát hiện, kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, việc thực hiện các quy định về công bố sản phẩm, về tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, việc quảng cáo thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu sử dụng để sản xuất thực phẩm; việc sử dụng phụ gia, phẩm màu trong chế biến thực phẩm và các quy định có liên quan...

Trong nỗ lực kiểm soát chất lượng thực phẩm, đầu tháng 3 vừa qua, sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon và Satra đã cùng ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm vào hệ thống bán lẻ, ngăn thực phẩm bẩn. Trong giai đoạn đầu, chương trình sẽ áp dụng với mặt hàng trái cây, rau củ, thịt và định hướng mở rộng thêm quy mô.

Theo thỏa thuận, các bên thống nhất chỉ sản xuất hoặc mua các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chung, nhà cung cấp nào bị phát hiện vi phạm ở một hệ thống sẽ không được bán vào các hệ thống phân phối còn lại.

Nếu phát hiện sản phẩm không an toàn, các hệ thống phân phối phải ngay lập tức kiểm tra; tạm dừng nhập/phân phối/kinh doanh sản phẩm đó. Theo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngắn hạn, mục tiêu chương trình sẽ kiểm soát được chất lượng thật sự của nhóm mặt hàng thí điểm; trong dài hạn, 100% hàng hóa ở các hệ thống phân phối tham gia chương trình đều được kiểm soát chất lượng như tiêu chuẩn mà chương trình đề ra.