Hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp

NDO-Là xã vùng cao khó khăn của huyện Bát Xát (Lào Cai), những năm gần đây, nhờ định hướng phát triển du lịch và sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Y Tý đã thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình anh Ly Cá Sứ, ở xã Y Tý trồng lê Tai Nung kết hợp làm du lịch nông nghiệp đem lại thu nhập cao, ổn định.
Gia đình anh Ly Cá Sứ, ở xã Y Tý trồng lê Tai Nung kết hợp làm du lịch nông nghiệp đem lại thu nhập cao, ổn định.

Đầu tư đúng hướng

Dạo bộ ngắm những vườn lê Tai Nung xanh mướt, bao quanh những homestay sinh thái, khi bà con người dân tộc Hà Nhì, H’Mông đang mùa thu hoạch sâm đất Hoàng Sin Cô bán cho thương lái miền xuôi, tôi không thể hình dung được chính ở cái nơi được mệnh danh là “xứ mưa” của huyện biên giới Bát Xát này, mới 5 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở đây lên tới 51,2%.

Bước vào ngôi nhà trình tường, vợ chồng anh Ly Cá Sứ - chị Ly Xá Gơ đón tôi bằng nụ cười thân thiện và thái độ gần gũi, mộc mạc, cứ như thể mỗi vị khách dừng chân ở làng du lịch cộng đồng này đều là người họ hàng, người anh em của họ vậy.

Thôn Choản Thèn có diện tích tự nhiên 236ha với 323 nhân khẩu, 96,8% dân số là người Hà Nhì, nơi đây vẫn giữ được không gian văn hóa khá nguyên bản của người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường bao quanh bởi ruộng bậc thang.

Anh Ly Cá Sứ nhớ lại: “Ngày trước nhà mình nghèo lắm, nhiều năm liền không thoát được diện hộ nghèo. Thấy trồng lúa không đủ ăn, mình bàn với vợ trồng thêm 0,6ha cây dược liệu. Tính ra, mỗi năm một vụ lúa được 2,5 triệu đồng cộng với khoảng 10 triệu đồng từ cây dược liệu. Vậy nên vợ chồng mình làm quần quật cũng chỉ đủ để không bị đói thôi. Năm 2018, được sự khích lệ của chính quyền địa phương và tạo điều kiện của Ngân hàng Chính sách xã hội, mình mạnh dạn vay 50 triệu đồng. Đầu tiên mình mua sáu, bảy con lợn giống về nuôi, đầu tư trồng thêm 1ha rau đậu Hà Lan, su hào, bắp cải… Sau 6 tháng, lợn được xuất chuồng, mỗi con nặng hơn 1 tạ, bán được 8 triệu đồng/con, mình thu về 40 triệu đồng. Một năm, mình nuôi được 2 lứa, vừa để bán, vừa làm thực phẩm cho gia đình. Rau thì trồng gối vụ, thu hoạch từ tháng 10 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán cũng được khoảng 5 triệu đồng/năm. Gia đình đã thoát nghèo và có vốn để mở rộng đầu tư trồng thêm rau, cây ăn quả (lê, mận...). Năm ngoái, giá bán lê là từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, mình cũng thu được 8-9 triệu đồng. Đến nay, trừ chi phí, gia đình mình thu nhập 150 triệu đồng/năm”.

Nhìn quanh ngôi nhà tường đất truyền thống nhưng gọn gàng ngăn nắp, bài trí thêm nhiều khu vực nghỉ ngơi, tôi biết gia đình anh Sứ còn làm thêm dịch vụ homestay, du khách đến vùng này không chỉ tham quan, thưởng thức không khí trong lành, đắm mình vào thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà còn được trải nghiệm sinh hoạt văn hoá của người bản địa, được thưởng thức những món ăn đặc sắc mà chỉ ở địa phương mới có.

Hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp ảnh 1

Cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn đồng bào dân tộc Hà Nhì trồng sâm đất Hoàng Sin Cô.

Tham gia phát triển kinh tế không chỉ đem đến thu nhập ổn định mà nhận thức về xã hội cũng được mở mang, người dân trong thôn Choản Thèn đã biết làm du lịch và bảo nhau đầu tư làm homestay.

Hầu hết người dân đều nhận thấy, việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng lê vừa cho thu hoạch sản phẩm, vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch, bởi đến mùa xuân, khách du lịch rất thích chụp ảnh trên những vạt đồi hoa lê nở trắng. Mùa hè, khách lại được tự tay hái những quả lê chín mọng, thưởng thức tại vườn. Vì vậy, thay vì trồng manh mún nhỏ lẻ mỗi hộ dăm chục gốc lê quanh nhà, người dân đã trồng tập trung với tổng diện tích toàn xã lên tới 20ha. Hiện, Y Tý có khoảng 14 nhà du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn, mỗi năm thu hút gần 50.000 lượt khách du lịch. Mỗi hộ trừ chi phí thì thu lợi hàng trăm triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình khó khăn khác.

Bên cạnh đó, từ trồng thử nghiệm thành công, đồng bào Hà Nhì ở Y Tý còn mạnh dạn vay vốn, lập tổ đổi công để giúp nhau trồng gần 150ha sâm đất Hoàng Sin Cô, bán cho Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải khoảng 200 tấn củ/năm, với giá 8-10.000 đồng/kg, để chế biến nước sâm tươi, đem về hàng chục tỷ đồng, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp ảnh 2

Người dân Y Tý làm du lịch cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Là bệ đỡ của người nghèo

Đồng hành với chính quyền địa phương trong mục tiêu phát triển Y Tý như một Sa Pa thứ hai của tỉnh Lào Cai, phát triển du lịch nhưng vẫn gắn với nông nghiệp, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát đã đưa vốn vay ưu đãi đến tận tay người nghèo dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể ở từng địa phương qua 21 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn và 276 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn.

Năm 2023, với tổng nguồn vốn huy động và quản lý hơn 300 nghìn tỷ đồng, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Bát Xát chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo chương trình nhà ở xã hội, giải quyết việc làm, giúp đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số ở Bát Xát có nguồn lực phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp ảnh 3

Phát triển du lịch cộng đồng ở Y Tý giúp nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời góp phần phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Ông Vũ Đức Minh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát cho biết, đồng hành với nông dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bát Xát luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá, tư vấn giúp bà con nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống kinh tế gia đình.

Đánh giá hiệu quả từ nguồn vốn đã giúp người dân địa phương thoát nghèo, ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y Tý, cho biết: “Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đã đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ…; góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích đã đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã trong các năm qua liên tục giảm và không có tình trạng tái nghèo.