Gia đình ông Điểu Vinh thuộc diện hộ nghèo ở bon Bu NĐơr, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Tháng 8/2022, ông Điểu Vinh được Hội Nông dân huyện Tuy Đức lựa chọn cho đi tham quan các mô hình trồng nấm linh chi hiệu quả ở một số tỉnh, sau đó tiến hành hỗ trợ 1.000 phôi giống nấm linh chi đỏ trồng trên diện tích 100m2, cùng với hệ thống tưới nước nhỏ giọt và kỹ thuật trồng nấm linh chi dưới tán điều.
Từ khi triển khai mô hình đến nay, ông Điểu Vinh đã thu hoạch được chu kỳ đầu với sản lượng 45kg nấm linh chi khô, bán với giá dao động từ 1,1-1,5 triệu đồng/kg tùy loại. Hiện nay, ông Điểu Vinh đang tiếp tục mở rộng mô hình để tăng thêm thu nhập. Nguồn thu ổn định từ nấm linh chi đã góp phần cải thiện đời sống và đang mở ra cơ hội thoát nghèo.
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều của Hội Nông dân huyện Tuy Đức đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng. |
Ông Điểu Vinh cho biết, nấm linh chi đỏ rất dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ cần khâu xử lý đất ban đầu theo quy trình, còn phôi giống thì đã được cấy sẵn vào thân cây trước cùng với dinh dưỡng. Khi nhận phôi giống người trồng chỉ cần đào hố, trồng trực tiếp xuống đất. Sau khi xuống giống chỉ cần kiểm tra độ ẩm của đất và tưới nước phù hợp, theo dõi quá trình phát triển và thu hoạch nấm đúng thời gian để bảo đảm dược tính tốt nhất.
Cũng theo ông Điểu Vinh, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều phù hợp với điều kiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các mô hình kinh tế khác.
Nấm linh chi đỏ rất dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ cần khâu xử lý đất ban đầu theo quy trình, còn phôi giống thì đã được cấy sẵn vào thân cây trước cùng với dinh dưỡng. Khi nhận phôi giống người trồng chỉ cần đào hố, trồng trực tiếp xuống đất. Sau khi xuống giống chỉ cần kiểm tra độ ẩm của đất và tưới nước phù hợp, theo dõi quá trình phát triển và thu hoạch nấm đúng thời gian để bảo đảm dược tính tốt nhất.
Ông Điểu Vinh, bon Bu NĐơr, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức
Năm 2013, gia đình ông Điểu Đắk, bon Bu P’răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được Hội Nông dân huyện Tuy Đức hỗ trợ 300 cây giống mắc-ca.
Sau 5 năm trồng, vườn cây đã cho thu hoạch ổn định, đến nay cây mắc-ca đã cho thu nhập với hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Điểu Đắk cho biết, dù cây mắc-ca không phải là cây bản địa nhưng lại rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của đồng bào bản địa.
Đặc biệt, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, ông cùng với các hộ dân đã biết chăm sóc, đầu tư bài bản, biến mắc-ca thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Cây mắc-ca đã giúp gia đình ông và nhiều hộ khác ở trong bon thoát nghèo.
Do có ít đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư, gia đình ông Nguyễn Văn Luân, ở thôn 5, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút chủ yếu trồng cây hoa màu ngắn ngày, hiệu quả kinh tế không cao nên cuộc sống luôn đối diện với nghèo khó.
Mô hình trồng nấm của hội viên Hội Nông dân Nguyễn Văn Luân (áo trắng), xã Tâm Thắng được nhân rộng từ mô hình thí điểm của Hội Nông dân huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. |
Năm 2020, ông Luân được hội nông dân giới thiệu, hướng dẫn mô hình trồng nấm, đồng thời cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ mô hình điểm ban đầu, đến nay ông Luân đã mở rộng quy mô trại nấm lên đến 2.000m2.
Theo ông Luân, trồng nấm vốn đầu tư thấp, kỹ thuật cũng không phức tạp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so với trồng một số loại cây nông nghiệp khác. Do chu kỳ của nấm từ khi cấy phôi đến kỳ thu hoạch ngắn, loại lâu nhất cũng chỉ 3 tháng nên việc thu hồi vốn rất nhanh. Cụ thể, nấm mộc nhĩ có chu kỳ phát triển 3 tháng, nấm sò hơn 45 ngày.
Hiện ông Luân đang đầu tư trồng từ 30.000-40.000 bịch nấm mộc nhĩ. Theo ông Luân, với số lượng nấm này, gia đình sẽ thu được sản lượng khoảng từ 2-3 tấn nấm. Với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg nấm, sau khi trừ chi phí, số tiền lãi thu được hơn 100 triệu đồng.
Để tăng thêm nguồn thu, chi phí công lao động, đặc biệt là có vốn quay vòng chờ chu kỳ thu hoạch nấm mộc nhĩ, ông Luân đầu tư mở rộng trại nấm để trồng gối đầu từ 3.000-4.000 bịch nấm bào ngư, nấm sò để lấy ngắn nuôi dài. Từ cuộc sống nghèo khó, đến nay gia đình ông Luân đã trở nên khá giả nhờ phát triển mô hình kinh tế điểm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều nông dân trong vùng.
Tương tự, năm 2021, gia đình ông Nguyễn Văn Rồng, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cũng được hội nông dân địa phương cấp cho 1 con bò giống sinh sản để chăn nuôi, tăng thu nhập.
Sau khi nhận bò giống, ông Rồng được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cẩn thận, bảo đảm cách phòng bệnh theo quy định của ngành thú y. Nhờ chăn nuôi đúng cách, đến nay bò giống phát triển, sinh sản tốt, đã sinh sản được 2 bê con.
Mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Nguyễn Văn Rồng, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân đến nay đang phát huy hiệu quả. |
Ông Rồng cho biết, gia đình sinh sống tại địa phương từ cuối năm 2012. Do thiếu đất sản xuất nên thường xuyên phải đi làm thuê, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, các con cũng thiếu tiền đi học. Khi được cấp bò để nuôi gia đình rất vui mừng, tập trung chăm sóc với hy vọng bò sinh sản thật nhiều để có tiền làm vốn, thay đổi cuộc sống...
Đầu năm đến nay, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội nông dân tỉnh Đắk Nông đã triển khai 225 mô hình kinh tế, với 1.830 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư đạt 59 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Đắk Nông giải ngân cho 10 khách hàng triển khai các mô hình phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 1,8 tỷ đồng.
Mô hình chăn nuôi dê của Hội Nông dân huyện Tuy Đức giúp nhiều hội viên thoát nghèo. |
Theo đánh giá, thông qua nguồn quỹ, nhiều mô hình kinh tế thiết thực đã được triển khai hiệu quả, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Nổi bật như: mô hình hỗ trợ trồng cây mắc-ca cho 6 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, mỗi hộ được hỗ trợ 100 cây giống; mô hình trồng gấc tại xã Cư K'nia, huyện Cư Jút, gồm 30 nông dân tham gia, với tổng vốn hỗ trợ là 750 triệu đồng. Mô hình đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo từ chăn nuôi bò tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong...
Mô hình nuôi cá của Hội Nông dân huyện Krông Nô cho thu nhập cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo. |
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với nông hộ, vùng sản xuất và đáp ứng nhu cầu giảm nghèo bền vững. Trong đó, có các mô hình kinh tế điểm, mang lại nhiều triển vọng sẽ được phổ biến rộng rãi. Cụ thể như mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản tại xã Nam Dong, huyện Cư Jut; trồng cà-phê xen canh sầu riêng tại xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp; nuôi dê tại xã Quảng trực, huyện Tuy Đức; sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong canh tác rau hữu cơ tại xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức...
Đầu năm đến nay, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội nông dân tỉnh Đắk Nông đã triển khai 225 mô hình kinh tế, với 1.830 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư đạt 59 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Đắk Nông giải ngân cho 10 khách hàng triển khai các mô hình phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 1,8 tỷ đồng.