Vận dụng hiệu quả quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng

Với số dự án phải triển khai nhiều cùng khối lượng phải giải phóng mặt bằng rất lớn, nhưng nhờ vận dụng hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác giải phóng mặt bằng ở Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân. Đây là những bài học kinh nghiệm quan trọng để thành phố tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín hướng dẫn người dân xã Văn Bình hoàn thiện thủ tục nhận tiền giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4. (Ảnh: CÔNG TÂM)
Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín hướng dẫn người dân xã Văn Bình hoàn thiện thủ tục nhận tiền giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4. (Ảnh: CÔNG TÂM)

Dự kiến đầu tháng 6/2023, Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín sẽ khởi công một trong bốn dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất tái định cư đầu tiên của huyện ở thôn Xâm Động, xã Hồng Vân để tái định cư cho hơn 25 hộ dân có đất ở nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thi công dự án đường vành đai 4.

Người dân ủng hộ, đồng thuận

Với quyền lợi được bảo đảm như vậy cho nên người dân rất phấn khởi. Nhờ đó đến nay, huyện Thường Tín đã thực hiện giải phóng mặt bằng, chi trả được khoảng 98ha đất (đạt 73%); cùng với đó, di chuyển được 1.819 ngôi mộ (đạt 98,53%).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bùi Công Thản cho biết, để có kết quả này, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và chín tổ công tác điều tra, khảo sát, đo đạc; tuyên truyền công khai các quy định của pháp luật liên quan đến dự án, về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án.

Các tổ công tác lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong việc di chuyển mồ mả, ưu tiên lựa chọn khu vực tái định cư phù hợp với điều kiện địa phương. Việc thực hiện quy chế dân chủ đã phát huy hiệu quả, từ đó nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân.

Quận ủy Tây Hồ đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng. Từ năm 2022 đến hết quý I/2023, đơn vị này đã phối hợp với các phường tổ chức 52 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân trong diện giải phóng mặt bằng một số dự án, như cải tạo môi trường mương thoát nước Thụy Khuê; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu; dự án Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 3.

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ chú trọng công khai, minh bạch trong công tác này. Tính chung từ tháng 1/2022 đến hết quý I/2023, quận đã tổ chức 41 buổi công khai tới toàn bộ người dân có đất bị thu hồi về các văn bản pháp lý liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với 41 dự án; tổ chức 150 buổi công khai các dự thảo phương án, nhờ đó hầu hết được người dân ủng hộ và không có “điểm nóng”.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, thực hiện quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan; làm rõ nghĩa vụ của những người trong diện thu hồi đất; bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người phải thu hồi đất, tạo sự đồng thuận phục vụ đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị của thành phố.

Xác định điều đó, hệ thống dân vận của thành phố cùng vào cuộc để đưa quy chế dân chủ thật sự phát huy vào thực tiễn.

Như Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Ban Dân vận Thành ủy và bảy Ban Dân vận quận, huyện có đường vành đai 4 đi qua đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu trong công tác giải phóng mặt bằng; vừa tăng cường nắm tình hình nhân dân, vừa đôn đốc chính quyền quan tâm tổ chức đối thoại, tọa đàm, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của người dân.

Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng dự án hiện đã đạt gần 70%, dự kiến tháng 6/2023 sẽ bàn giao được 80% mặt bằng để khởi công dự án; phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023.

Tăng đối thoại từ cơ sở

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn hạn chế. Có lúc thiếu sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân.

Tại buổi làm việc gần đây tại huyện Đông Anh về nhiệm vụ này, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, Huyện ủy chưa lãnh đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng; vẫn còn có một số công trình xây dựng không phép, sai phép.

Năm 2022 có 11 trường hợp vi phạm, ba tháng đầu năm 2023 có năm trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, một số dự án bị chậm tiến độ; báo cáo chưa thể hiện rõ tỷ lệ hộ dân không nhận tiền và bàn giao mặt bằng phải tổ chức cưỡng chế, bao nhiêu dự án chậm tiến độ. Những con số này cần phải được làm rõ, để từ đó có các giải pháp khắc phục hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố phải làm tốt hơn nữa việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; trách nhiệm của chính quyền, của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về thực hiện quy chế dân chủ, trong đó có lĩnh vực giải phóng mặt bằng; tiếp tục cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành những quy chế về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hướng tới mục tiêu “dân thụ hưởng” những thành quả trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.