Nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ ven biển ở Kiên Giang đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đê biển, chống sạt lở. Nhằm khuyến khích việc trồng và bảo vệ rừng, người dân được nhận giao khoán đất rừng phòng hộ để trồng 60% diện tích cây mắm và khai thác 40% diện tích mặt nước để nuôi tôm, cua và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Hoàng Lương thu hoạch sò huyết nuôi dưới tán rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Hoàng Lương thu hoạch sò huyết nuôi dưới tán rừng phòng hộ.

Thời gian qua, người dân hai huyện An Biên và An Minh, tỉnh Kiên Giang tận dụng diện tích mặt nước dưới tán rừng phòng hộ nuôi sò huyết mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm sinh kế, lại thích ứng với biến đổi khí hậu đang tác động ngày một lớn.

"Sống khỏe" nhờ nuôi sò huyết

Năm 2011, ông Nguyễn Hoàng Lương ở ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh được giao khoán 3,5 héc-ta đất rừng phòng hộ để trồng cây mắm, cây đước. Theo cam kết, ông phải trồng 60% diện tích rừng, chỉ được khai thác 40% diện tích mặt nước để nuôi các loại nhuyễn thể; rừng sau 15 năm trồng mới được quyền khai thác.

Ngoài nuôi tôm, cua, những năm gần đây ông Lương thả nuôi hơn ba héc-ta sò huyết giống dưới tán rừng. "Một héc-ta thả nuôi, sau khoảng chín tháng sẽ cho sản lượng từ 2-2,5 tấn sò huyết. Hiện sò huyết loại 70 con/kg, thương lái đến mua với giá từ 140 nghìn đồng/kg. Với 3 héc-ta, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tôi thu về khoảng 300 triệu đồng/năm. Nuôi sò huyết dưới tán rừng "sống khỏe" hơn nuôi các loại nhuyễn thể khác", ông Lương nói.

Nhờ thu nhập khá và ổn định, ông nuôi bốn người con học hết đại học, mua thêm 1,6 héc-ta đất canh tác và xây dựng ngôi nhà mới khang trang. Theo ông Lê Hoàng Quân ở cùng ấp Xẻo Lá A, sò huyết dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, lợi nhuận khá cao. Người nuôi chỉ cần thực hiện cam kết trồng rừng đúng tỷ lệ và bảo vệ diện tích rừng phòng hộ theo quy định là có thể tận dụng và khai thác hiệu quả trên diện tích mà mình được giao khoán. Hiện tại ông Quân nuôi 2,7 héc-ta sò huyết, trung bình cho sản lượng hơn 3 tấn, lợi nhuận thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, tại huyện An Biên, bà Phạm Thị Ðổi ở ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A cho biết, tới đây gia đình bà sẽ mở rộng diện tích được giao khoán để nuôi thêm sò huyết. Hiện tại, bà chỉ thả nuôi thử nghiệm 1 héc-ta sò huyết trên tổng số hơn 3 héc-ta được giao khoán, lợi nhuận hằng năm khoảng 90 triệu đồng/ha, góp phần đa dạng hóa chủng loại vật nuôi sau tôm, cua, nhằm ổn định kinh tế gia đình.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh Lê Văn Khanh thông tin, nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh việc được Nhà nước đầu tư bờ kè, thì việc người dân được giao khoán đất đã tích cực trồng cây mắm cũng góp phần chống sạt lở. Lãnh đạo huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sang Cà Mau học hỏi thêm một số mô hình nuôi các loài nhuyễn thể dưới tán rừng phòng hộ, tới đây cũng khuyến khích người dân chọn nuôi loài nhuyễn thể phù hợp bên cạnh sò huyết, nhằm mang lại hiệu quả lâu bền.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên Trang Minh Tú, cùng với tôm, cua, mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng giúp cải thiện thu nhập, sinh kế ổn định; người dân đã thấy được lợi ích, hiệu quả của công tác bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản. An Biên có điều kiện tự nhiên thích hợp để nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, diện tích thả nuôi sò huyết của huyện khoảng 5.100 héc-ta, bao gồm cả diện tích nuôi sò huyết ở rừng phòng hộ ven biển, sản lượng khoảng 16.000 tấn, tập trung ở các xã ven biển, nơi có điều kiện thuận lợi để sò huyết sinh trưởng và phát triển tốt.

Thích ứng biến đổi khí hậu

Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi Cục Thủy sản Kiên Giang) Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, sò nuôi không cần cho thức ăn mà chủ yếu ăn từ việc lọc bùn, bả, các vi sinh vật hữu cơ có trong môi trường tự nhiên. Việc nuôi sò dưới tán rừng phòng hộ cũng góp phần cải tạo môi trường nước, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và giữ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Ban Quản lý rừng Kiên Giang, rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang có diện tích 4.539 héc-ta, kéo dài qua các địa phương ven biển như thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Ðất, An Biên, An Minh. Năm 2011, Kiên Giang ban hành quy định về trồng, bảo vệ rừng và sử dụng rừng phòng hộ ven biển. Ðến nay, tỉnh đã giao khoán cho 1.905 hộ dân thực hiện trồng rừng và khai thác diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Riêng rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn hai huyện An Biên, An Minh dài 60 km, diện tích hơn 4.000 ha có điều kiện đất, nước thích hợp để nuôi sò huyết.

Thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Ban Quản lý rừng Kiên Giang từng bước khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, giao khoán cho hộ dân và tổ chức bảo vệ, phát triển rừng theo mô hình sản xuất lâm-ngư kết hợp. "Phần lớn các hộ dân trồng rừng kết hợp nuôi cá, cua, tôm, sò huyết,... mang lại hiệu quả cao, nâng giá trị kinh tế rừng; rừng giao khoán cho người dân ngày càng phát triển, tăng thêm khả năng phòng hộ, ngăn sạt lở đất, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng", Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng Kiên Giang Nguyễn Minh Trí cho biết.