Nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam

NDO - Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam, với chủ đề “Tạo động lực chung tay hành động giảm ô nhiễm nhựa”, với sự tham dự của các bộ, ngành, các doanh nghiệp, các hiệp hội và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP Việt Nam.

Theo Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Ngọc Tuấn: Năm 2023, là năm chứng kiến những dấu mốc và những kết quả quan trọng Chương trình NPAP Việt Nam, qua đề xuất hỗ trợ, chính sách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư, khơi thông dòng tài chính đối với những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Đặc biệt, với sự ra mắt của Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Khơi nguồn tài chính hỗ trợ đã hỗ trợ Nhóm công tác triển khai các hoạt động thông qua các trụ cột chiến lược của Chương trình NPAP Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cùng hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (dự kiến thông qua vào năm 2024), Chương trình NPAP Việt Nam đã tích cực phối hợp các đối tác xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu thông qua các hội thảo tham vấn, các sự kiện bên lề tại những phiên đàm phán liên chính phủ, thể hiện quyết tâm quản và giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn; những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp tích cực của các bên thời gian qua.

Theo báo cáo của Chương trình NPAP Việt Nam, năm 2023, dưới sự định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự điều phối và hỗ trợ kỹ thuật của UNDP tại Việt Nam, Chương trình NPAP Việt Nam đã xây dựng và mở rộng mạng lưới tham gia với gần 200 tổ chức doanh nghiệp kết nối, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đến đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; đổi mới, sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa, các giải pháp góp phần thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam ảnh 1

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội nghị.

Năm 2023, NPAP Việt Nam đã thành lập Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Tài chính để giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia từ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng chung tay thúc đẩy những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm điều hướng cho những thay đổi tích cực trong giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa.

Đến nay, đã có 40 nhà đổi mới sáng tạo đã hoàn thành thử nghiệm qua các giai đoạn ươm mầm và tăng tốc trong tổng số 138 chương trình, dự án, sáng kiến về giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam hoặc dự án khu vực có hợp phần liên quan đến Việt Nam. Trong đó, có 7 sáng kiến, dự án đổi mới sáng tạo ấn tượng từ các nhà đổi mới sáng tạo được đánh giá có năng lực và khả năng sáng tạo tác động đã được giới thiệu và thúc đẩy qua nền tảng NPAP.

Ngoài ra, NPAP Việt Nam phối hợp UNDP và các đối tác hỗ trợ Việt Nam bắt đầu thảo luận định hướng nghiên cứu, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng nhựa và rò rỉ rác thải nhựa trên đất liền và trên biển phục vụ quá trình đàm phán hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Xây dựng báo cáo nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; báo cáo đánh giá hiện trạng về giới trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam...

Nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam ảnh 2

Ra mắt Nhóm kỹ thuật về Bình đẳng giới và Phát triển bao trùm

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được của Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa Việt Nam trong năm 2023; đồng thời làm rõ những nội dung liên quan đến mục tiêu tham vọng hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040.

Về định hướng hoạt động năm 2024, các đại biểu đề nghị Chương trình NPAP Việt Nam cần ưu tiên triển khai các hoạt động như: Thúc đẩy hoạt động của các nhóm kỹ thuật; nghiên cứu lộ trình huy động tài chính và đầu tư để giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, bao gồm xác định những khoảng trống đầu tư hiện tại, xác định các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, xác định các nguồn vốn đầu tư phù hợp; vận động, thu hút nguồn tài trợ trong đầu tư, phát triển, tiếp nhận công nghệ tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; thiết lập nền tảng tiên tiến, số hóa trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa tại Việt Nam...

Dịp này, Chương trình NPAP Việt Nam đã ra mắt Nhóm kỹ thuật về Bình đẳng giới và Phát triển bao trùm.