Các cuộc đàm phán kéo dài suốt tuần tới do Liên hợp quốc chủ trì tại Nairobi của Kenya sẽ tập trung thảo luận nên đưa lựa chọn nào vào văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề ô nhiễm nhựa. Liên minh châu Âu (EU) cùng hàng chục quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya đã kêu gọi có một hiệp ước mạnh với các điều khoản mang tính ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng nhựa nguyên sinh, được tạo ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ, cũng như xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm, như PVC và các loại nhựa chứa các nguyên vật liệu độc hại.
Quan điểm này vấp phải sự phản đối từ các nước xuất khẩu dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu và nhựa như Saudi Arabia. Theo những quốc gia này, hiệp ước tương lai cần tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa - việc này được đề cập bằng khái niệm “quay vòng” nguồn cung nhựa. Trong một đề xuất nêu ra trước cuộc đàm phán lần này, Saudi Arabia cho rằng, nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là “việc quản lý chưa hiệu quả” rác thải nhựa.