Chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa

Ngày 6/3/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 375-KH/TU, phát động phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa". Đây cũng là một trong hai nhiệm vụ đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh đổi rác lấy cây xanh.
Học sinh đổi rác lấy cây xanh.

Để cụ thể hóa nội dung này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ban hành kế hoạch xác định tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; từ đó, phát động phong trào tới các xã, phường, thị trấn và xây dựng mô hình tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.

Để thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các mô hình tự quản, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng, hướng dẫn mẫu quy chế hoạt động để xã, phường, thị trấn hướng dẫn khu dân cư xây dựng, ban hành quy chế hoạt động của mô hình tự quản ở thôn, tổ dân phố phù hợp với thực tiễn địa bàn. Mỗi tổ tự quản đều có sự tham gia của các thành viên là các chi đoàn, chi hội ở khu dân cư, từ đó giúp cho mô hình tự quản hoạt động từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả.

Năm 2020, từ 28 mô hình điểm cấp huyện về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa triển khai, đến nay đã lan tỏa và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh với 2.109 tổ, 2.468 nhóm tự quản về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa; lắp đặt 1.448 biển mô hình. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng hơn 24.800 bể, hố xử lý rác thải ở khu dân cư và hộ gia đình; phát hơn 600 nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, hơn 30 nghìn túi thân thiện với môi trường, 900 mũ, 2.650 găng tay, tặng hơn 9.000 xe, thùng rác; 920 chiếc làn, hơn 300 nắp bể ủ rác hữu cơ; hơn 300 gói men vi sinh… với tổng kinh phí trị giá hơn bốn tỷ đồng.

Đổi mới trong công tác phối hợp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên, phân công rõ trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị phụ trách nội dung cụ thể, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên nhà ở, nhà văn hóa và các khu công cộng; hướng dẫn cách phân loại rác, đào hố rác, xây bể ủ rác hữu cơ làm phân bón; tư vấn lắp đặt bể phốt công trình vệ sinh, làm chuồng chăn nuôi và cách xử lý phân gia súc, gia cầm.

Đồng thời Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn xây dựng các mô hình “Thùng rác gia đình”; “Hãy thả rác vào thùng”, “Khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp”; đặt thùng đựng rác “Nơi thu gom vỏ chai nhựa gây quỹ ủng hộ vì người nghèo”; từ đó, người dân ở các khu dân cư đã đồng tình, tích cực hưởng ứng, tình nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng các bể xử lý rác ở khu vực công cộng, bể ủ rác hữu cơ ở gia đình. Hội Nông dân với các mô hình: Thu gom bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở đồng ruộng; xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt gia đình thành phân bón tại nguồn; xử lý nước thải, chất thải bằng biện pháp sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nói không với rác thải nhựa...

Đoàn Thanh niên với các mô hình: “Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”; “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”; “Ngôi nhà xanh”, “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, “Gạch sinh thái”; phong trào “Dọn rác check-in” trên Facebook được đoàn viên, thanh niên thực hiện ở nhiều địa điểm du lịch trong tỉnh; tổ chức cuộc thi viết, video “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và ô nhiễm nhựa”; thi vẽ tranh với chủ đề “Chúng em với môi trường và nguồn nước sạch”...

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Tuyên Quang xác định công tác tuyên truyền, vận động phải thường xuyên, sâu rộng, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt; cụ thể hóa các nội dung của phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế của từng khu dân cư, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức.

Để phong trào lan tỏa sâu rộng cần có sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ của chính quyền các cấp và tổ chức, doanh nghiệp trong công tác quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các mô hình tự quản và người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại nguồn, bảo đảm theo đúng quy trình, quy định, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần hoàn thiện về hạ tầng thu gom, xử lý rác đồng bộ để công tác bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững.