Phát biểu tại buổi phát động cuộc thi, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học,... ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Nhận thức được điều đó, VITA đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch và nhận được sự hỗ trợ từ UNDP qua dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam". Kể từ khi thực hiện cho đến nay tại Việt Nam, dự án đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Việt Nam phát biểu tại buổi phát động cuộc thi thiết kế Ứng dụng quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch. (Ảnh: T.LINH) |
Ngày 9/9 vừa qua, tại Hội An, VITA đã chính thức công bố khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hoi An River Resort trở thành khu lưu trú đầu tiên ở Quảng Nam đạt chuẩn không rác thải nhựa. Đây cũng là khu nghỉ dưỡng, khách sạn không rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam.
Tiếp tục triển khai hiệu quả dự án, nhằm "thu thập dữ liệu thống kê cụ thể về rác thải nhựa, Hiệp hội và dự án triển khai cuộc thi thiết kế ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa để các cơ sở du lịch, dịch vụ có thể triển khai sử dụng”, ông Vũ Thế Bình cho hay.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 là khoảng 230.110 tấn, trung bình một ngày mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi nylon; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Mục tiêu của việc xây dựng ứng dụng (apps) giúp nâng cao nhận thức và cung cấp công cụ quản lý rác thải nhựa cho doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và cộng đồng dân cư. Kết quả của ứng dụng cũng sẽ giúp cung cấp những giải pháp, sáng kiến để hạn chế tác động của rác thải nhựa đối với hoạt động du lịch.
Ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Chủ nhiệm đề án, thông tin thêm, ứng dụng này còn là công cụ để giúp cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, báo cáo quản lý rác thải nhựa; làm cơ sở để xây dựng định hướng về chính sách giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động du lịch. Đối với doanh nghiệp du lịch giúp nhân sự quản lý doanh nghiệp nắm rõ tình hình về rác thải nhựa trong cơ sở của mình; giúp cho doanh nghiệp có thể đăng ký và tham gia thực hiện Bộ tiêu chí doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa.
Ban Tổ chức trình bày về quy cách, nội dung của Ứng dụng quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch. (Ảnh: T.LINH) |
Đối với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các Hiệp hội du lịch địa phương, thông qua ứng dụng sẽ nắm được thông tin tình hình thực hiện quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch thành viên trên địa bàn; trích xuất số liệu thống kê theo địa bàn, theo thời gian; theo dõi tình hình thực hiện Bộ tiêu chí, phân loại doanh nghiệp.
Theo Ban tổ chức, sản phẩm dự thi gồm 3 phần: Phần mềm (apps) và các tài liệu hướng dẫn của phần mềm, bản thuyết minh mô tả, thông tin về tổ chức/cá nhân theo mẫu.
Bài tham gia cuộc thi được gửi về Văn phòng Hiệp hội Du lịch Việt Nam trước ngày 10/11/2023. Giải thưởng gồm 1 giải Nhất trị giá 40 triệu đồng; 1 giải Nhì và các giải Khuyến khích.
Ứng dụng dự kiến sẽ công bố tại hội chợ du lịch quốc tế VITM Cần Thơ dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2023.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” do VITA đề xuất và được UNDP chấp thuận tài trợ thực hiện trong 2 năm 2023-2024 với 3 hợp phần chính: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu/điểm du lịch tại Ninh Bình và Quảng Nam, áp dụng thí điểm và ban hành “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”; Xây dựng Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.