Những vấn đề đặt ra cho công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số hơn 9 triệu người nhưng đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh chưa tận dụng hết thế mạnh, tiềm năng của mình để thúc đẩy phát triển kinh tế, làm cực tăng trưởng, lan tỏa cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là về lĩnh vực công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố có nhiều điều kiện để tiếp tục trở thành địa phương giữ vai trò “đầu tàu” về kinh tế nhờ vị trí thuận lợi, hội tụ như sân bay, cảng biển, các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, trường đại học, viện nghiên cứu... Giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương này chiếm khoảng 32% trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, 16% toàn quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố có xu hướng giảm, thấp hơn thành phố Hà Nội và mặt bằng chung cả nước.

Công nghiệp chưa tạo sự lan tỏa cho cả vùng

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương (Bộ Công thương), mặc dù đạt được những thành công nhất định, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng nhìn chung công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp ở mức thấp; tỷ trọng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp của thành phố trong cơ cấu công nghiệp cả nước cũng suy giảm, từ 12,7% năm 2015 xuống còn 10,8% trong những năm gần đây. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố có tăng nhưng không nhiều, trong khi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tăng vượt bậc. Đáng nói, thứ hạng PCI liên tục suy giảm, từ cao nhất là hạng 4 năm 2014 rơi xuống hạng 14 năm 2021. Năm 2021, thành phố cũng thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thấp nhất.

Việc tái cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm, tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp công nghệ cao tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; hóa dược-cao-su nhựa; chế biến lương thực-thực phẩm) chưa tạo ra đột phá trong phát triển công nghiệp thành phố. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp đa số có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Thành phố cũng chưa có lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp nổi trội, mang tính định hướng, dẫn dắt. Cơ cấu phân bố không gian công nghiệp dàn trải, chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của thành phố.

Sau thời gian phát triển, hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững, ảnh hưởng đến không gian phát triển đô thị, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Ngoài ra, liên kết trong phát triển sản xuất công nghiệp còn lỏng lẻo; hợp tác viện, trường, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu phát triển, giáo dục và đào tạo còn mờ nhạt. Hợp tác, sản xuất, cung ứng giữa khu vực doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn hạn chế; liên kết vùng trong phát triển công nghiệp chưa hiệu quả. Mô hình cụm liên kết ngành công nghiệp chưa phát triển, chưa thúc đẩy việc sản xuất theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, nhất là ở các khâu có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao...

Tái cơ cấu công nghiệp thành phố

Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp vững mạnh, hiện đại, góp phần quan trọng cho phát triển của thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển công nghiệp; trong đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch. Đồng thời, thành phố cũng cần đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI); thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp; tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, trên địa bàn thành phố còn khá nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, kém thân thiện môi trường đan xen với những doanh nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Việc cấp bách cần làm là thành phố nên công bố quy hoạch phát triển công nghiệp theo hướng xác định rõ những công đoạn ưu tiên thu hút đầu tư cho các nhóm ngành kinh tế khác nhau. Theo đó, định vị lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trên cơ sở đó, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng phù hợp, cũng như thiết lập cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển theo đúng định hướng...

Cũng theo các chuyên gia, với vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo định hướng sáng tạo, bền vững, bao trùm, tạo động lực, lan tỏa, thúc đẩy công nghiệp vùng phát triển.

Song song đó, là việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và lợi thế của thành phố. Thành phố cần xác định và tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo động lực, tác động lan tỏa phát triển các ngành công nghiệp, ngành kinh tế khác; tái cơ cấu không gian phát triển công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết hợp hài hòa giữa phát triển hạ tầng công nghiệp với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội.

Bên cạnh đó, thành phố cần hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số, tự động hóa và xanh hóa hoạt động sản xuất; nghiên cứu, đổi mới các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu quốc tế, chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Việc thúc đẩy liên kết trong sản xuất công nghiệp, nhất là liên kết nội vùng và liên vùng về phát triển công nghiệp, trong đó lấy Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.