Mang lại giá trị làm lợi hơn 22 tỷ đồng, sáng kiến “Giảm chi phí sản xuất xe ô-tô” của công nhân Nguyễn Văn Hiển, Công ty TNHH Nissan Automotive Technology Việt Nam là một trong những sáng kiến sáng tạo vừa được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khen thưởng. Trăn trở nghiên cứu để có thể giảm trọng lượng và giá thành sản xuất, nhưng vẫn bảo đảm các tính năng an toàn của xe ô-tô, anh Hiển và các cộng sự đã liên kết với bộ phận thiết kế dành nhiều thời gian, phân tích và nghiên cứu tối ưu hóa hình dáng chi tiết trên xe ô-tô.
Sau nhiều lần thử nghiệm, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện, nhóm đã tiến hành cắt giảm chi tiết, giảm độ dày chi tiết trên xe. Trên cơ sở đó, anh Hiển và các cộng sự đã đưa ra sáu giải pháp cải tiến trên năm xe ô-tô, giúp làm giảm trọng lượng xe và tiết kiệm chi phí sản xuất cho công ty.
Trong lĩnh vực y tế, có thể kể đến sáng kiến “Khung nắn chỉnh ngoài tự chế trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy” của bác sĩ Đoàn Anh Tuấn. Với giá thành khoảng 10 triệu đồng, bộ dụng cụ được sử dụng thành công tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh, giúp quá trình nắn chỉnh xương cẳng chân trong phẫu thuật được nhanh chóng, làm giảm chi phí trong quá trình điều trị cho bệnh nhân và cho bệnh viện.
Còn với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuyên, giáo viên Trường trung học phổ thông Kim Anh, huyện Sóc Sơn, sáng kiến “Tạo lò hấp nhiệt bằng điện xử lý rơm, rạ làm tăng tỷ lệ sống của phôi giống nấm sò và tăng năng suất nấm sò” lại xuất phát từ chính đời sống thường ngày.
Nhận thấy nguồn rơm rạ tại địa phương sau mỗi mùa gặt bị bỏ đi lãng phí, cô Xuyên đã cùng các học trò tận dụng rơm rạ, xử lý qua lò hấp nhiệt để trồng nấm. Sáng kiến này đã giúp tăng năng suất khi trồng nấm, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, khi những bã phôi sau khi thu hoạch nấm được tận dụng làm phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trên thực tế, nhiều cơ sở sản xuất nấm an toàn tại huyện Đông Anh và Sóc Sơn khi áp dụng sáng kiến của cô Xuyên đã cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, thu nhập tăng lên đáng kể.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, năm 2023, thành phố đã có 94.523 sáng kiến của công nhân lao động được công nhận ở cấp cơ sở, 1.906 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 609 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn từ cấp trên cơ sở, Hội đồng thi đua Liên đoàn Lao động thành phố đã xét chọn và công nhận 100 “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” năm 2023 và quyết định tặng bằng khen cho 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo” năm 2023.
Đáng chú ý, trong tổng số 609 sáng kiến gửi về thành phố, có 537 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền hơn 563 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của công nhân lao động được áp dụng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm, hàng chục tỷ đồng mỗi năm, mà có nhiều sáng kiến còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho biết, từ phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 1996, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa bằng phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân viên chức lao động Thủ đô”.
Đến nay, phong trào đã tạo ra sức lan tỏa lớn, được các cấp chính quyền, công đoàn, chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, phong trào ngày càng có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Đồng thời đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào sự phát triển, tạo bứt phá mới đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.