Bật bóng điện của lớp học trong nhà văn hóa thôn Nà Sla, anh Hàng Văn Sần, một trong những học viên chăm chỉ của lớp cho biết: Dù trời mưa hay giá rét, anh cũng đến lớp đầy đủ và gần như sớm nhất. “Do ngày trước gia đình đông con, không có tiền đi học nên bản thân không được đến trường, chỉ đi chăn trâu, làm việc đồng áng, nay nhờ các cô giáo anh đã biết đọc, biết viết, đi ra ngoài đường thấy hàng quán người ta viết gì thì mình cũng hiểu một chút. Do đó tự tin hơn nhiều rồi, trước đi chợ còn đi lạc đường do không biết chữ.”
Về đến nhà sau một ngày lên nương rẫy làm việc vất vả, dù đã 6h tối, nhưng anh Lăng Văn Bằng vẫn “ôm” chiếc bụng đói đến lớp học cái chữ. Anh Bằng tâm sự: “Dù bụng sôi ùng ục, người mệt lả vì nắng gió, nhưng “đói chữ” còn khổ hơn nhiều so với đói bụng, nên anh quyết tâm tới lớp cùng anh em bạn bè, nếu nghỉ học sẽ phụ tấm lòng của các thầy cô”.
Các giáo viên hướng dẫn bà con tập viết. |
Anh Bằng chia sẻ thêm: “Trước tôi không học hết lớp 2, nay nhờ cô giáo tôi đã viết được, đánh vần để đọc được, đi bán gà, bán vịt thì cũng đã biết tính nhân lấy tiền rồi. Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn các thầy cô. Học chữ lúc đầu cũng khó nhưng mà dần dần biết 1 tí, như tập đi xe máy. Các thầy cô rất nhiệt tình, lúc nào cũng dạy đủ giờ giấc. Hôm nào đến lớp là 4h phải đi nương về, tắm rửa rồi đi học, sau đó mới ăn cơm.”
Theo cô giáo Hoàng Thị Hoàn, giáo viên trường Tiểu học Thạch Đạn chia sẻ, trong lớp, học viên lớn nhất cũng đã gần 60 tuổi, nên đôi lúc việc giảng dạy còn nhiều khó khăn do bà con đều là người dân tộc thiểu số. Nhưng chính sự say mê, nhiệt tình của các học viên lại là động lực để các cô cố gắng nỗ lực, vượt quá khó khăn về độ tuổi, đường xá xa xôi… “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận với đối tượng học viên lớn tuổi nên phương pháp, hình thức tổ chức phần nào còn bỡ ngỡ nhưng sau khi lên lớp với bà con, động lực lớn nhất mà chúng tôi có được, đó là tinh thần, ý thức của học viên. Dù điều kiện giảng dạy và học tập còn thiếu thốn, học sinh lại có tuổi, mắt kém, học buổi tối…nhưng họ đều rất cố gắng”, cô Hoàn cho biết thêm.
Học viên phần lớn là người lớn tuổi. |
Còn cô giáo Lý Mỹ Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Thạch Đạn cho biết: Các thầy cô giáo tại trường hằng ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy cho các em học sinh trên lớp thì chỉ được nghỉ ngơi vài phút, sau đó lại chuẩn bị bài giảng, bài tập để lên lớp với các học viên lớp xóa mù chữ. Nhiều cô nhà ở ngoài thành phố, đường xá đi lại xa xôi, vất vả, lại thường xuyên về đêm khuya… nên nhà trường luôn bố trí các lớp học có 2 giáo viên. Dù vậy, vượt qua mọi khó khăn, vất vả, các thầy cô luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Đến thời điểm này, học viên gần như đều biết đọc, biết viết. Các cô dạy đánh vần, viết chữ, dạy toán, tiếng việt, khoa học, sử, địa… giáo viên cũng linh hoạt những bài giảng để mọi người có thể vận dụng trong cuộc sống.
Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những dự án của Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những lớp học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, ngày càng nâng cao về chất lượng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã có 1.253 học viên được xóa mù chữ thành công. Tới năm 2023, Lạng Sơn đang tổ chức hơn 200 lớp xóa mù chữ, ở tất cả 11 huyện, thị toàn tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số luôn mong muốn được học tập cuộc sống tốt đẹp hơn. |
Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Cao Lộc Hoàng Thị Thu Huyền đánh giá: “Những lớp học xóa mù chữ mang ý nghĩa rất lớn, giúp người dân tự tin hơn trong cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Khi mà mở lớp trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, do học viên là người dân tộc thiểu số, độ tuổi không đồng đều, thời gian bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình, đồng áng, nhưng học viên rất tích cực, tự giác, chăm chỉ đến lớp. Các thầy cô giáo ngày ở trường với nhiệm vụ chuyên môn, nhưng tối vẫn đến với bà con để giảng dạy. Mọi người đều nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm để truyền đạt kiến thức cho các học viên.”
Cứ mỗi tối, trên miền cao xứ Lạng, tiếng đánh vần “ê,a” của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số lại vang lên, minh chứng cho khát khao cải thiện đời sống, mong ước cho một ngày mai tươi sáng hơn. Âm thanh ấy vang vọng cả một dải biên cương, như nguồn ánh sáng của hi vọng, của sự quyết tâm “Học, học nữa, học mãi”, của tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, bám đất, bám bản, “gieo và gặt con chữ” nơi các thày cô giáo và bà con trên mảnh đất biên thuỳ này.