Nhiều hoạt động ý nghĩa từ Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc"

Trải qua gần 14 năm hoạt động, Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo với nhiều công trình thiết thực, ý nghĩa, gắn với đời sống, sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ tại các vùng biên giới, biển, đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh với các hoạt động hướng về biên giới tại tỉnh Đắk Nông.
Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh với các hoạt động hướng về biên giới tại tỉnh Đắk Nông.

Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương cho biết, tuổi trẻ thành phố đã tập trung tuyên truyền và vận động, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên thành phố hướng về biên giới, biển đảo. Gắn với hoạt động ở mặt trận này, tuổi trẻ thành phố cũng có nhiều hoạt động xung kích ý nghĩa về mặt xã hội như: tổ chức chăm lo Tết Nguyên đán cho đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn và chương trình "Nghĩa tình biên giới"; Chương trình Tháng ba biên giới; các chiến dịch tình nguyện hè tại các đảo và khu vực biên giới;…

Tại Quận 8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận cũng đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động đối với khu vực biên giới, hải đảo. Bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 8 cho biết, đơn vị thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến tình hình, đời sống của các địa phương biên giới, hải đảo đã từng bước giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức và chủ động tham gia các hoạt động hướng về biên giới, hải đảo. Nhờ đó, trong năm 2022, qua phát động, đơn vị đã nhận được số tiền hơn 1,6 tỷ đồng cho Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc", đạt 303,6% so với chỉ tiêu đề ra.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Kim Yến, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - Hội đồng quản lý Quỹ "Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc" thành phố đã đổi mới nội dung, phương thức triển khai các hoạt động, trong đó làm mới việc tổ chức đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và các đảo thuộc vùng biển tây nam.

Đồng thời, tổ chức tốt các chương trình "Xuân biên cương-Tết nghĩa tình", "Tết quân-dân", "Ngày hội biên phòng toàn dân"... tại các vùng biên giới, biển, đảo ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Mặt trận Tổ quốc các địa phương cũng phối hợp tổ chức tốt công tác chính sách, hậu phương quân đội, thăm, tặng quà, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và tặng học bổng cho con em chiến sĩ, tặng quà cán bộ, chiến sĩ của các đồn biên phòng, các xã biên giới tại các tỉnh.

Riêng năm 2022 vừa qua, hệ thống Mặt trận các cấp đã tổ chức hơn 150 cuộc tuyên truyền về biên giới, biển đảo và thực hiện tốt mô hình "Mỗi cơ sở Mặt trận gắn với một địa bàn biên giới" với hơn 50 đoàn đại biểu thăm các đồn biên phòng, các xã biên giới với nhiều hoạt động thăm, tặng quà, xây dựng nhà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí tại 36 điểm biên giới với tổng số tiền hơn hai tỷ đồng.

Bà Trần Kim Yến cho biết, Mặt trận Tổ quốc còn phát huy tốt vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động các tín đồ, Phật tử tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước về các vấn đề biên giới, biển, đảo Việt Nam. Từ các hoạt động đồng bộ đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới và giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau 14 năm thành lập, Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" đã vận động được hàng trăm tỷ đồng để thực hiện tốt các hoạt động ủng hộ tiền tuyến, chăm lo hậu phương như tổ chức nhiều đoàn đại biểu trực tiếp ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và các đảo phía tây nam Tổ quốc; hỗ trợ các vùng biên giới trên cả nước, qua những công trình "Mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới", công trình "Nước ngọt vùng biên"; chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân", chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa ngư dân vươn khơi, bám biển"...

Đáng chú ý là hoạt động đón hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc về thăm Thành phố Hồ Chí Minh để tạo sự gắn kết, thắt chặt thêm tình cảm giữa hậu phương đất liền và tiền tuyến.

Nhấn mạnh về các nội dung phát huy hơn nữa Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc", Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho rằng, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đơn vị cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo đi vào chiều sâu, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; mở rộng các hoạt động hướng về biển, đảo quê hương nhằm chăm lo thiết thực cho cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo; chăm lo lực lượng vũ trang nhân dân, làm tốt công tác hậu phương quân đội.

Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình "Mỗi cơ sở Mặt trận gắn với một địa bàn biên giới" nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo, biên giới Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành ủy thành phố cũng nhấn mạnh việc đồng hành cùng với ngư dân hơn nữa vì ngư dân cũng là những người bám biển, là những "cột mốc sống" gìn giữ chủ quyền.