Người dân làng cổ Long Tuyền kể lại, cuối thế kỷ 18, phía tây nam sông Cần Thơ là vùng đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành. Vì vậy, nhiều gia đình, dòng họ chọn nơi đây làm chỗ an cư.
Trong những dòng họ đó, có gia tộc họ Dương. Đến năm 1870, ông Dương Văn Vị, thế hệ thứ 3 của họ Dương đã tính chuyện dựng nên một căn nhà khang trang, là nơi cư ngụ cho cả đại gia đình. Ban đầu, ngôi nhà được xây dựng khá giản đơn, hầu hết bằng gỗ, lợp mái ngói đỏ tươi.
Sau 30 năm được đưa vào sử dụng, vì gia đình ngày càng khá giả, có của ăn của để, ông Vị quyết định thiết kế, xây dựng lại ngôi nhà to đẹp hơn. Công trình xây dựng đang dang dở thì năm 1904 ông mất, con trai út của ông là Dương Chấn Kỷ đã tiếp tục công việc của cha. Năm 1911, ngôi nhà được hoàn thành, trở thành điểm nhấn của cả vùng cả về quy mô lẫn kiến trúc, nghệ thuật.
Ông Dương Viết Luận, người nhà họ Dương, hiện đang trông coi, bảo quản ngôi nhà kể lại: Thời bấy giờ, ông Dương Chấn Kỷ là một thương gia nổi tiếng giàu có trong vùng.
Du khách ghé thăm nhà cổ Bình Thủy. |
Vì vậy, ngôi nhà được ông chọn thợ giỏi, vật liệu tốt để xây dựng nên. Ông cũng không tiếc thời gian, tiền bạc, đi tìm tòi những cái mới lạ, nhất là kiến trúc, nghệ thuật ở những nơi khác đưa về áp dụng.
Chính vì vậy, ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc vừa mang nét cổ kính, trang nghiêm nhưng không kém phần phóng khoáng, trang nhã. Không chỉ độc đáo về kiến trúc, năm 1980, hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc là ông Dương Văn Ngôn, người có thú chơi hoa kiểng đã mang nhiều giống lan quý về trồng trong vườn. Vì thế, đến nay, nhà cổ Bình Thủy còn là điểm đến tham quan của những người chơi hoa kiểng.
Ngôi nhà mang đậm dấu ấn Đông-Tây, khang trang, rộng rãi với tổng diện tích khoảng 6.000m2. Cổng tam quan được xây dựng theo lối kiến trúc người Hoa, chếch về hướng bên phải có bốn cột trụ lớn với hai trụ xi-măng và 2 trụ gỗ.
Hệ thống xà của cổng tam quan được làm bằng gỗ, mái lợp ngói men xanh. Trên cùng trang trí nhiều hình thù sống động, tinh xảo như kỳ lân, cá vàng, hoa lá. Trên cổng gắn hai bảng hiệu lớn: một bảng tiếng Hoa là “Phước An Hiệu” và một bảng tiếng Việt là “Phủ thờ họ Dương”.
Mặt tiền ngôi nhà có cầu thang đi lên được thiết kế hai bên. Lên cầu thang qua mặt tiền vào trong ngôi nhà là hệ thống cửa sổ, bảo đảm thông thoáng. Từng cột trụ bằng lim cho đến cách bài trí các phòng, nội thất đều được gia chủ sắp xếp theo luật đối xứng âm-dương, tả-hữu, tiền-hậu.
Theo bố trí của gia chủ, nhà trước (năm gian) dùng làm nơi tiếp khách và trang trí theo phong cách châu Âu. Nhà giữa ba gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, hai gian bìa dùng để ở.
Nhà sau sử dụng làm nơi sinh hoạt chung. Đáng chú ý, phần lớn kiến trúc ngôi nhà được xây dựng theo phong cách châu Âu, nhưng nơi thờ tự lại mang đậm văn hóa, phong cách Việt Nam. Điều này thể hiện gia chủ rất biết cách pha trộn, giao thoa văn hóa Đông-Tây một cách hài hòa, có chọn lọc.
Ông Dương Viết Luận cho biết, một nét độc đáo nữa của nhà cổ Bình Thủy là việc nơi đây lưu giữ rất nhiều đồ cổ quý hiếm, có giá trị cả về lịch sử lẫn sưu tầm.
Ngay tại phòng khách trưng bày bộ bàn ghế đá cẩm thạch từ Vân Nam (Trung Quốc), bộ xa-lông Pháp có tuổi đời hàng trăm năm, tách chén từ thời nhà Minh, nhà Thanh… Với những nét đặc biệt, độc đáo, nhà cổ Bình Thủy đã trở thành địa điểm quay các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như: Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa, Nợ đời…
Mặt tiền nhà cổ Bình Thủy. |
Đáng chú ý, năm 1992, bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới, The Lover (Người tình) cũng được quay tại đây. Bộ phim kể về mối tình có thật của vị thiếu gia Huỳnh Thủy Lê (thương gia người Hoa ở Sa Đéc) cùng một nữ nhà văn người Pháp.
Nhà cổ Bình Thủy trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn khám phá cuộc sống của người dân Tây Nam Bộ. Những người nhà họ Dương, trông coi ngôi nhà cho biết, hiện nay, nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, dù trải qua bao năm tháng. Vào các dịp nghỉ lễ, cuối tuần, hàng trăm người ghé đến tham quan.
“Ngôi nhà có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng để khai thác hiệu quả không dễ vì trong nhà không ai được đào tạo hay có kinh nghiệm làm du lịch. Phía sau ngôi nhà, gia đình có thửa đất rộng khoảng 1 ha, muốn kết hợp với các đơn vị để phát triển du lịch nhưng sau nhiều năm, dự định vẫn bỏ ngỏ. Tôi lớn lên trong làng, rất buồn khi phải chứng kiến những ngôi nhà cổ chung quanh bị phá bỏ, sau đó một ngôi nhà mới hiện đại khang trang mọc lên. Thế hệ chúng tôi cũng đã luống tuổi, chỉ mong con cháu sau này có ý thức gìn giữ những giá trị của ngôi nhà”, ông Dương Viết Luận chia sẻ.