GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Người kết nối nghề truyền thống với thời trang hiện đại

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, nhà thiết kế áo dài Lan Hương còn là người có trách nhiệm với cộng đồng, với những nghề truyền thống. Chị đã lặn lội đến khắp các làng nghề từ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đưa sản phẩm của họ đến với sàn diễn thời trang áo dài trong nước và quốc tế.

Người kết nối nghề truyền thống với thời trang hiện đại

Nhà thiết kế (NTK) Lan Hương đã đi tới các làng nghề từ ngoại thành Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía bắc, vùng cao miền trung. Rồi chị cùng người dân chung tay vực nghề truyền thống hồi sinh. Từ những việc đầu tiên hoàn thành, chị lại mong muốn làm những việc tiếp theo. Cách lựa chọn của chị là giúp đỡ những người giữ nghề để họ có thể giúp đỡ được nhiều người khác nhằm lan tỏa những hành động tốt đẹp ra cộng đồng.

Không gian trưng bày áo dài của NTK Lan Hương là những bộ thổ cẩm của người dân đồng bào dân tộc thiểu số được chị ứng dụng vào thiết kế thời trang áo dài, là chất liệu tơ tằm tạo nên những tà áo thướt tha, là tranh dân gian Ðông Hồ, tranh Hàng Trống in trên áo dài…

Chị kể, đồng bào Thái ở Nghệ An có cách dệt trên lụa tơ tằm và sợi bông rất đẹp, nhưng sản phẩm không được nhiều người biết tới. Chị đề nghị bà con dệt đúng những cách thức truyền thống đó lên những thiết kế của mình. Chị và đồng bào dân tộc Thái kỳ công làm việc để khi cho ra những tấm lụa, ứng dụng lên tấm áo dài sẽ thành một câu chuyện kể thú vị, không chắp vá tẻ nhạt. Tương tự, lên với người dân huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), chị đặt người dân địa phương dệt theo khuôn vải của mình, theo những họa tiết mang hơi thở núi rừng, tạo nên câu chuyện, bản sắc riêng ở mỗi vùng, miền. Sau đó, chị mang về thiết kế thành những bộ áo dài, tạo thêm họa tiết, mang trở lại cho mọi người xem, khiến ai cũng ngạc nhiên với sản phẩm mình tạo ra. Chị lại lên các làng nghề dệt của đồng bào Mông ở Bắc Hà (Lào Cai), Ðồng Văn (Hà Giang)... Nếu trước kia sản phẩm ở nhiều làng nghề rất khó bán thì gần đây, nhờ sự giúp đỡ của NTK Lan Hương, nhiều cơ sở đã có chỗ đứng trên thị trường với nhiều chủng loại đa dạng.

Không những có cơ duyên với lụa, thổ cẩm, NTK Lan Hương còn kết nối nhiều làng nghề truyền thống khác để phát triển sản phẩm gắn với thời trang. Ðó là nghề đậu bạc, chằm nón, thêu, sản xuất giày dép...

NTK Lan Hương đã mang những bộ sưu tập áo dài mang đậm phong cách Việt Nam tới trình diễn ở rất nhiều trung tâm thời trang lớn trên thế giới như Pháp, Mỹ, Ðức… Chị tâm sự, ra nước ngoài bao giờ chị cũng mang sản phẩm hoàn toàn chất liệu Việt Nam, thiết kế Việt Nam, được làm từ chính bàn tay người Việt Nam."Khi mặc những tà áo dài bằng chất liệu truyền thống ra nước ngoài, ai cũng rất tự hào. Nhiều NTK nước ngoài đến Việt Nam nhờ tôi dẫn đi từng làng nghề mua vải, thêu để ứng dụng luôn vào thiết kế" - Chị chia sẻ.

Hiện nay, NTK Lan Hương, đang triển khai dự án bảo tàng nghệ thuật kể chuyện lịch sử qua thời trang. Bảo tàng này sẽ hội tụ những tinh hoa dựa trên sự sáng tạo của chị và kỳ vọng sẽ là một điểm nhấn độc đáo của Hà Nội.