Người H’mông xây dựng hương ước bảo vệ rừng

NDO - Dền Thàng là xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Bát Xát (Lào Cai), đa số là dân tộc H’mông sinh sống trên núi cao, khí hậu rét lạnh. Để giữ nước sản xuất và phòng, chống sạt lở đất và lũ quét, người dân nơi đây đã xây dựng hương ước bảo vệ rừng, phát triển rừng bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Theo hương ước của thôn Dền Thàng 2, người dân chỉ vào rừng lấy củi trong ngày mở cửa rừng.
Theo hương ước của thôn Dền Thàng 2, người dân chỉ vào rừng lấy củi trong ngày mở cửa rừng.

Ngược con đường nhựa mới nâng cấp từ trung tâm xã Mường Hum lên xã Dền Thàng, ở độ cao gần nghìn mét so với mực nước biển, chúng tôi gặp chị Tráng Thị Sí, ở thôn Dền Thàng 2 đang cùng một số người dân vào cánh rừng ven đường để lấy củi khô.

Công việc vất vả nhưng ai nấy đều khẩn trương vì nếu không nhanh thì hôm sau sẽ hết lịch lấy củi theo quy định của thôn. Trong buổi sáng mở cửa rừng, mỗi người trong nhóm của chị Sí tranh thủ lấy được 3-4 bó củi khô, sau đó gùi ra đường để người thân dùng xe máy chở về nhà sử dụng trong mùa rét.

Người H’mông xây dựng hương ước bảo vệ rừng ảnh 1

Những cánh rừng phủ xanh bản làng của người H’mông xã Dền Thàng (Bát Xát-Lào Cai), ở độ cao gần nghìn mét so với mực nước biển.

Chị Sí cho biết: Theo hương ước, quy ước của thôn, cứ 3 tháng mới mở cửa rừng, người dân trong thôn chỉ được vào rừng 1 ngày để lấy củi. Những ngày khác nếu vào rừng lấy củi là vi phạm, sẽ bị phê bình, tịch thu tang vật (gồm: củi, dao, gùi…) và phạt rất nặng. Theo đó, những trường hợp vi phạm sẽ phải nộp thịt lợn, gạo, rượu để mọi người trong thôn tu chỉnh rừng, tổ chức học tập và tuyên truyền hương ước và Luật bảo vệ rừng cho thấm nhuần.

Theo ông Tráng A Trí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dền Thàng, ngoài hương ước, quy ước của thôn, xã còn thường xuyên phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Bát Xát tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm Luật bảo vệ rừng. Nhờ vậy, trong 5 năm trở lại đây, không có trường hợp nào vi phạm hủy hoại rừng phòng hộ ở địa phương.

Bên cạnh việc bảo vệ rừng, người H’mông ở Dền Thàng còn tích cực trồng rừng. Toàn xã hiện có 1.500ha rừng, trong đó 1.271ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất.

Đến Dền Thàng hôm nay, những khu đất trống, đồi trọc đều được phủ xanh cây sa mộc, quế, mỡ, bồ đề, keo… Cùng với rừng phòng hộ, những cánh rừng trồng ngày càng lan rộng, tạo thêm sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.

Hằng năm, người dân các thôn của xã Dền Thàng đều tổ chức lễ cúng rừng, với ý nghĩa cầu mong thần rừng phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng rừng còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng các dân tộc, gắn kết con người với thiên nhiên, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng.