Ngôi nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Đông ở khu làng nghề 1, xã Hải Minh chẳng khác nào một “bảo tàng mini” về kèn tây. Trong không gian rộng 500 m² mặt sàn la liệt các loại kèn, nhỏ thì bé trong lòng bàn tay, to thì dài hàng mét, miệng loa xòe rộng, to bằng cái mâm nhỏ. Ông Đông cười bảo, kèn tây là thứ gắn với làng Phạm Pháo từ rất lâu, do thường xuyên được sử dụng trong các dịp lễ của người Công giáo.
Theo chuyện kể, hơn 500 năm trước, vùng đất Quần Anh xưa (đơn vị hành chính đầu tiên của huyện Hải Hậu ngày nay) là một trong ba nơi đạo Công giáo được truyền vào nước ta. Ngày ấy, Quần Anh có hai dải đất bồi hình khẩu pháo, được gọi là làng Pháo Đông và làng Pháo Tây.
Các hộ dân ở làng Pháo Tây theo đạo Công giáo, do người làng đều họ Phạm nên đã đặt tên ngôi nhà nguyện đầu tiên, rồi đổi luôn tên làng là Phạm Pháo. Nhiều thế kỷ trôi qua, Phạm Pháo bây giờ đã là một xứ đạo đông đúc của xã Hải Minh, với cả chục giáo họ.
Chẳng biết từ khi nào, chiếc kèn tây đã luôn hiện diện trong các nghi lễ của nhà thờ tại giáo xứ Phạm Pháo. Đến một thời điểm của thế kỷ 20, những chiếc kèn từ thời Pháp để lại dần bị hỏng hóc. Điều này đã thôi thúc thân sinh ra ông Nguyễn Văn Đông là cụ Nguyễn Văn Biên mày mò, học hỏi để có thể tự sửa chữa những chiếc kèn tây. Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm dần, cụ tự làm ra được kèn tây trong bối cảnh khan hiếm vật liệu đồng. Sau này, ba trong bốn người con trai và một người cháu của cụ Biên nối nghiệp cha ông, hình thành nên làng kèn tây Phạm Pháo.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, các anh em trong nhà được tiếp xúc với nghề làm và sửa kèn tây từ rất sớm, và có thể sản xuất khoảng 15 loại kèn như clarinet, saxophones, trumpet, alto saxophones, trombone, baritone, bass, tubas, helicon… Điều đặc biệt là, mỗi chiếc kèn tùy loại có từ 180 đến 250 chi tiết, nhưng hầu như đều được làm thủ công. Những ống đồng được người nghệ nhân cán phẳng, gò tay thành hình chiếc kèn, chỉ sử dụng máy uốn tự chế hoặc máy tiện cho các chi tiết và công đoạn khó.
Trong quá trình chế tác kèn tây, khâu khó nhất là chế tạo bộ phím và ba “quả pháo”, mỗi “quả” có sáu lỗ tạo ra các nốt nhạc. Bộ phím phải được làm thật kín để đạt độ chính xác về âm thanh, nhưng lại phải nhẹ nhàng, trơn tru, dễ bấm. Ngoài sự lành nghề về cơ khí, người thợ còn phải có cả kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là đôi tai thẩm âm tinh tế.
Nhấp ngụm nước trà, ông Đông bất chợt tỏ ra trầm ngâm: Bây giờ, vật liệu không còn khan hiếm, việc làm kèn đã dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng người làm kèn ở Phạm Pháo cũng gặp nhiều khó khăn vì bị cạnh tranh thị trường do nhiều nơi mua “hàng bãi” nước ngoài về, tân trang lại bán với giá rẻ. Bởi vậy, công việc chính của gia đình ông Đông và các em là sửa chữa kèn bị hỏng, lỗi gửi về từ khắp nơi trên cả nước. Họ chỉ sản xuất kèn mới khi có đơn đặt hàng cụ thể.
Tuy nhiên, sự gắn bó với “nghề gia truyền” qua các thế hệ khiến họ vẫn quyết tâm giữ nghề làm và sửa chữa kèn tây. Sau thời anh em ông Đông, đến lượt các con, cháu tiếp tục theo công việc này. Ở tuổi 23, anh Nguyễn Trung Kiên (con nghệ nhân Nguyễn Văn Cường, em trai ông Đông) đã có “thâm niên” 13 năm tiếp xúc với nghề làm kèn. Hiện tại, anh Kiên đã thành thạo mọi công đoạn sửa chữa và sản xuất kèn tây. Kiên tâm sự, sẽ sống bằng nghề vì đam mê từ thuở nhỏ.
Những năm qua, khung cảnh xã Hải Minh, huyện Hải Hậu khiến nhiều người lần đầu đến đây không khỏi choáng ngợp trước những ngôi nhà, thậm chí lâu đài nguy nga, bề thế, sang trọng. Người Hải Minh rất giỏi làm kinh tế, với nghề chính là sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, đồ đồng, đồ cổ… Trong bức tranh chung ấy, những chiếc kèn tây được làm từ những nghệ nhân ở Phạm Pháo trở thành nét chấm phá thú vị, làm phong phú thêm đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con trong xã.
Theo ông Nguyễn Xuân Khoát, người chuyên tổ chức, chỉ huy các đội kèn ở địa phương cho biết, người dân các xứ đạo Hải Minh cả nam lẫn nữ đều biết thổi kèn tây, đánh trống, chơi nhạc dây từ bé. Trước năm 1945, xứ đạo Phạm Pháo đã có đội kèn đồng. Hiện tại, cả xã có hơn 10 hội kèn với khoảng hơn 1.000 cây kèn các loại, mỗi hội có từ vài chục đến cả trăm người. Không chỉ vang lên trong nhà thờ, tiếng kèn của người Phạm Pháo lâu nay còn hòa điệu trong các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trong và ngoài tỉnh Nam Định, trở thành biểu tượng của sự tài hoa, tinh tế và tâm hồn yêu âm nhạc của bà con nơi đây.