Nền kinh tế châu Âu tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong dự báo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về triển vọng của nền kinh tế thế giới, các nước châu Âu được cảnh báo đối mặt tương lai ảm đạm, bởi một số nền kinh tế lớn ở khu vực đang bên bờ vực suy thoái. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đau đầu với bài toán cân đối các mục tiêu kiềm chế lạm phát và hạn chế rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cảng container ở cảng Hamburg, Đức. (Ảnh minh họa: Reuters)
Quang cảnh cảng container ở cảng Hamburg, Đức. (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo dự báo của OECD, trong năm 2023, Khu vực đồng euro (Eurozone) được cho là chỉ tăng trưởng mức 0,3%. Ðức là một trong những nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc xung đột ở Ukraine, do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga.

OECD dự báo, nền kinh tế Ðức sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, khi tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu chỉ là 0,7%.

Báo cáo hằng tháng của Ngân hàng Trung ương Ðức cũng cho biết, các dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế đầu tàu châu lục đang nhân lên, đồng thời cảnh báo GDP sẽ giảm trên diện rộng và kéo dài.

Tăng trưởng kinh tế Ðức có thể giảm nhẹ trong quý III năm nay, trước khi giảm mạnh trong quý IV và quý I của năm 2023.

Mặc dù tác động sẽ không nghiêm trọng như kịch bản bất lợi đưa ra hồi tháng 6, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế Ðức suy giảm ở mức 3,2% trong năm 2023, song viễn cảnh tương lai vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Châu Âu đang phải đối mặt với sự gia tăng chưa từng có về giá năng lượng và lạm phát. Số liệu do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại EU đã lên mức kỷ lục là 10,1% trong tháng 8 vừa qua, tăng đáng kể so với mức 9,8% của tháng 7.

Tại Eurozone, tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9,1%. Pháp là quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong tháng 8 với 6,6%, tiếp theo là Malta (7%) và Phần Lan (7,9%). Tỷ lệ lạm phát vẫn cao nhất tại ba quốc gia Baltic, lần lượt là Estonia (25,2%), Latvia (21,4%) và Litva (21,1%).

Tình trạng tăng giá trong tháng 8 vừa qua cũng nghiêm trọng tại Hungary, quốc gia có tỷ lệ lạm phát lên đến 18,6%, đứng hàng thứ tư, trên Cộng hòa Séc (17,1%).

Vấn đề giá năng lượng tăng tại Eurozone góp phần nhiều nhất gây ra tình trạng lạm phát cao. Theo Cơ quan thống kê quốc gia Italia (Istat), tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 vừa qua của nước này lên tới 8,4%, mức tăng cao nhất trong gần 40 năm qua, chủ yếu do giá năng lượng.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp Italia đang phải chi thêm 82,6 tỷ euro do giá điện và khí đốt tăng cao. Tập đoàn bán lẻ Coop của Italia cho biết, khoảng một phần ba số người ở đất nước hình chiếc ủng không thể thanh toán hóa đơn điện nước vào dịp Giáng sinh năm nay, do giá năng lượng tăng cao.

Gánh nặng chi phí năng lượng đè nặng lên ngân sách của Lục địa già. Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), trong năm 2021, các nước châu Âu đã chi gần 500 tỷ euro để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp do giá khí đốt và năng lượng tăng cao.

Ðức là nước chi nhiều nhất trong EU cho các biện pháp hỗ trợ, ước tính khoảng 100 tỷ euro. Italia cũng chi tới 59 tỷ euro, tương đương hơn 3% GDP của nước này. Tương tự Italia, các nước như Croatia, Hy Lạp, và Latvia cũng đã chi hơn 3% GDP của mỗi quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng năng lượng và vấn đề này dự kiến được thảo luận và bỏ phiếu thông qua trong cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng EU trong hôm nay (30/9).

Các nền kinh tế châu Âu đang trong giai đoạn nhiều thách thức nghiêm trọng do lạm phát cao kỷ lục và các vấn đề về nguồn cung năng lượng. Trước tình trạng giá cả leo thang, ECB đặt ưu tiên cho việc ổn định giá hàng hóa, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế.

Các quyết sách của ECB có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng châu Âu xác định đó là cái giá phải chấp nhận bởi bình ổn giá là một ưu tiên quan trọng hiện nay.