Thách thức thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni vừa đưa ra cảnh báo rằng, việc Mỹ tăng cường chính sách bảo hộ thương mại có thể sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với cả nền kinh tế lớn nhất thế giới và châu Âu. Quan chức EU cũng cho biết, Ủy ban châu Âu - cơ quan phụ trách chính sách thương mại của EU - sẽ hợp tác với chính quyền mới của Mỹ để thúc đẩy chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ và bảo đảm rằng các kênh thương mại quốc tế vẫn được duy trì một cách an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Giới chức EU và các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo, các chính sách bảo hộ từ chính quyền mới của Mỹ sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu và châu Âu cần chuẩn bị tốt hơn so với năm 2018.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump vừa tái đắc cử Tổng thống Mỹ và sẽ trở lại Nhà trắng vào cuối tháng 1/2025. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề xuất áp thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đối tác thương mại chủ chốt của EU.

Mỹ và châu Âu từ lâu có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ thông qua thương mại quốc tế, mặc dù trong những năm gần đây, cán cân thương mại nghiêng về phía châu Âu: Năm 2022, Mỹ nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 723 tỷ USD từ EU. Đổi lại, Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 592 tỷ USD sang EU, dẫn đến thâm hụt thương mại của Mỹ với EU khoảng 131 tỷ USD. Năm 2023, Mỹ là đối tác lớn nhất về xuất khẩu hàng hóa của EU (19,7%) và là đối tác lớn thứ hai về nhập khẩu hàng hóa của EU (13,7%).

Căng thẳng thương mại Mỹ và EU được cho là bắt đầu kể từ sau khi Washington đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu từ EU, từ ngày 1/5/2018. Đáp lại, ngày 22/6/2018, EU cũng chính thức đánh thuế nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Mỹ trị giá hơn 3 tỷ USD. Căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương tiếp tục tăng lên sau đó, với những đòn "ăn miếng, trả miếng" liên tục.

Các chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump vốn là một khía cạnh quan trọng mà ông đã đề cập trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Trump tiếp tục thể hiện rõ lập trường trong lĩnh vực kinh tế, đó là giảm thâm hụt thương mại Mỹ bằng giải pháp tăng mạnh các rào cản thương mại. Việc tái đắc cử của ông Trump và việc ông công khai cân nhắc ý tưởng áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, bao gồm cả EU, có thể tác động mối quan hệ thương mại vốn không "xuôi chèo mát mái" giữa Mỹ và EU.

Ông Gentiloni cho rằng các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu là Đức và Italia vì hai nước này xuất khẩu nhiều nhất sang nền kinh tế số một thế giới. Vị quan chức EU này bày tỏ lo ngại rằng thuế quan sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà các nhà sản xuất ở Đức và Italia đang phải đối mặt. Theo ông, thuế quan có thể tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế Mỹ do làm gia tăng lạm phát.

Mức độ hội nhập cao giữa các nền kinh tế của EU và Mỹ đã giúp đưa mối quan hệ thương mại giữa hai bên trở thành yếu tố ổn định không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Mặc dù vẫn còn những tranh cãi thương mại và sự khác biệt trong quy định, song cả EU và Mỹ vẫn duy trì lợi ích chung trong việc bảo vệ các tiêu chuẩn cao, bảo đảm cạnh tranh công bằng và ổn định thị trường toàn cầu. Nếu Mỹ chuyển sang chính sách bảo hộ thương mại, điều này được cho là sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai nền kinh tế và tác động không nhỏ tới kinh tế thế giới.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn nêu rõ, việc tăng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ có thể gây ra hậu quả bất lợi cho nền kinh tế thế giới, thậm chí có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại mới trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt và châu Âu cần chuẩn bị cho tình huống này.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo Robert Holzmann cảnh báo rằng, những rào cản thương mại của Mỹ nếu được thực hiện sẽ khiến lãi suất và lạm phát của Mỹ tăng cao hơn, đồng thời gây áp lực tăng giá ở những nơi khác. Ông Holzmann lập luận, nếu đồng USD ổn định và tiến gần mức ngang giá so với đồng euro, điều đó sẽ tác động đáng kể đến chi phí nhập khẩu, nhất là đối với năng lượng, khiến ECB khó đạt được mục tiêu lạm phát 2% và có khả năng trì hoãn quá trình này.

Là hai trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và EU từ lâu đã duy trì mối quan hệ kinh tế sâu sắc, nhất là về lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, những năm gần đây, mối quan hệ này trải qua nhiều thách thức và bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine. Vừa là đồng minh trong NATO, vừa là đối tác thương mại lớn của Mỹ, EU đang rơi vào thế khó khi phải tìm cách duy trì quyền tự chủ thương mại của mình trong khi vẫn dung hòa được mối quan hệ bền chặt về an ninh quốc phòng với đồng minh.