Thúc đẩy đoàn kết khu vực Trung Đông

Lãnh đạo các nước Arab và Hồi giáo đã đến thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường, tìm giải pháp nhằm ngăn chặn các hành động quân sự ở Dải Gaza và Liban. Đây là cơ hội để các nước tìm tiếng nói chung trong nỗ lực chấm dứt các cuộc tấn công giữa Israel với các lực lượng Hamas và Hezbollah đang đẩy Trung Đông vào vòng xoáy xung đột bạo lực, bất ổn, đồng thời thúc đẩy một giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Người dân tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát của một trường học bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 20/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ảnh minh họa: Người dân tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát của một trường học bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 20/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị diễn ra đúng một năm sau sự kiện tương tự được tổ chức tại Riyadh giữa các nước thành viên của tổ chức Liên đoàn Arab (AL) và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2023, các nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo đã lên án những hành động tấn công nhằm vào dân thường ở Gaza, thống nhất cứu trợ khẩn cấp cho vùng lãnh thổ Palestine này, đồng thời kêu gọi chấm dứt tình trạng chiếm đóng của Israel, cũng như ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của người Palestine.

Trong vòng một năm qua, cuộc xung đột ở Trung Đông đã leo thang nấc cao mới, khi Israel tiến hành các cuộc tấn công dữ dội ở cả hai mặt trận Gaza và Liban nhằm đáp trả các vụ tấn công bằng tên lửa của phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Liban. Giao tranh tiếp diễn trên các vùng lãnh thổ của Palestine và Liban khiến những diễn biến hiện nay trong khu vực ngày càng phức tạp, cần một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột.

Bạo lực leo thang ở các vùng lãnh thổ Palestine và Liban đã buộc các nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo phải hành động khẩn cấp. Các ưu tiên chính của các nhà lãnh đạo hai khối này bao gồm ngăn chặn xung đột trên các vùng lãnh thổ của thành viên trong khối; bảo vệ dân thường, hỗ trợ người dân Palestine và Liban; thống nhất lập trường chung, thúc đẩy cộng đồng quốc tế có bước đi quyết định nhằm chấm dứt bạo lực, thiết lập hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.

Trước diễn biến nguy hiểm chưa từng có ở Gaza cũng như những thách thức chung trong khu vực, các nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải đưa ra lập trường chung và nỗ lực thống nhất.

Mục tiêu của Hội nghị là khởi xướng hành động quốc tế ngay lập tức nhằm chấm dứt chiến tranh ở Gaza, Liban và thúc đẩy tiến trình chính trị nghiêm túc để đạt được hòa bình toàn diện, lâu dài giữa Israel và Palestine dựa trên các nguyên tắc được quốc tế công nhận.

Các nước Arab và Hồi giáo đã lên án mạnh mẽ hành vi tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Các nước trong hai khối này luôn nhấn mạnh sự ủng hộ không lay chuyển đối với quyền tự quyết của người Palestine và việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967, với thủ đô Đông Jerusalem.

Họ khẳng định nhu cầu khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông để bảo đảm một nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện, đồng thời ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine có chủ quyền.

Tháng 9 vừa qua, ngay trước Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, các thành viên một ủy ban cấp bộ trưởng của các nước Arab và Hồi giáo đã tổ chức cuộc họp điều phối tại New York (Mỹ) để lập chiến lược tăng cường các nỗ lực của người Arab và người Hồi giáo thúc đẩy việc công nhận Nhà nước Palestine và bảo vệ các quyền của người Palestine.

Một cuộc họp cấp bộ trưởng khẩn cấp của AL và OIC cũng được tổ chức, trong đó các nước thành viên thuộc hai tổ chức này nhất trí gia tăng nỗ lực củng cố hòa bình khu vực, hỗ trợ nhân đạo và thúc đẩy thực hiện các nghị quyết liên quan Palestine.

Hội nghị bất thường của các nước thành viên AL và OIC được kỳ vọng đạt đồng thuận và tăng cường đoàn kết nhằm đối phó hàng loạt thách thức khu vực.

Trong đó, ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp diễn trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và phong tỏa là mục tiêu cấp bách nhằm dập tắt lửa xung đột có nguy cơ lan rộng đồng thời tìm kiếm giải pháp chính trị, thúc đẩy thực thi giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel-Palestine, tiến tới thiết lập một nền hòa bình lâu dài, bền vững và toàn diện ở Trung Đông.