Ngăn chặn làn sóng di cư qua eo biển Manche

Những dòng người di cư để trốn chạy khỏi xung đột vũ trang và nghèo đói, tìm mọi cách vượt eo biển Manche tới Anh vẫn là “bài toán” nan giải đặt ra với nước này. Trong bối cảnh số lượng người nhập cư trái phép vào Xứ sở sương mù tăng vọt kéo theo nhiều hệ lụy, Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định sẽ đưa ra những biện pháp mạnh tay nhằm triệt phá các băng nhóm buôn người.
0:00 / 0:00
0:00
Người di cư được giải cứu sau khi chiếc thuyền chở họ bị hỏng trên hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Người di cư được giải cứu sau khi chiếc thuyền chở họ bị hỏng trên hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ Nội vụ Anh ước tính, từ đầu năm đến nay, hơn 31.000 người di cư đã đến nước này sau khi vượt eo biển Manche từ Pháp, cao hơn số liệu của cả năm 2023. Bất chấp dòng chảy xiết ở một trong những tuyến đường vận tải biển đông đúc nhất thế giới, người di cư thường tìm cách đến Anh trên những chiếc thuyền nhỏ và quá tải. Số lượng người bị nhồi nhét trên mỗi chiếc thuyền ngày càng lớn phản ánh sự liều lĩnh của người di cư và thủ đoạn ngày một táo bạo hơn của những kẻ buôn người. Hành trình vượt biển đầy nguy hiểm đã khiến gần 60 người di cư thiệt mạng từ đầu năm đến nay. Điều này khiến năm 2024 trở thành năm “chết chóc nhất” kể từ khi số lượng người nhập cư trái phép qua eo biển Manche bắt đầu tăng mạnh từ năm 2018.

Tương tự chính phủ tiền nhiệm của đảng Bảo thủ, chính phủ do Công đảng của ông Starmer lãnh đạo vẫn phải vật lộn để ngăn chặn dòng người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh, song có cách tiếp cận khác trong việc giải quyết vấn đề nhức nhối này. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Starmer hủy bỏ kế hoạch vốn gây tranh cãi của người tiền nhiệm Rishi Sunak về việc đưa những người di cư bất hợp pháp và những người xin tị nạn tại Anh đến Rwanda. Thay vào đó, ông Starmer cam kết sẽ tập trung triệt phá các băng nhóm buôn người. Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia (NCA) của Anh sẽ tuyển dụng thêm 100 điều tra viên để hỗ trợ nỗ lực này.

Tại hội nghị của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) diễn ra ở thành phố Glasgow của Anh mới đây, ông Starmer cho rằng, các băng nhóm buôn người đang trở thành mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của thách thức này. Như Thủ tướng Anh khẳng định, không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước cảnh người di cư phải bỏ mạng. Theo đó, ông Starmer khẳng định, Anh sẽ áp dụng cách tiếp cận chống khủng bố nhằm đối phó hiệu quả các băng nhóm buôn người. Nhà lãnh đạo Anh kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn với các bên liên quan, đồng thời cho rằng cần gia tăng quyền hạn của các lực lượng này.

Nhằm tăng cường chống nạn buôn người, Chính phủ Anh cũng dự định tăng gấp đôi ngân sách trong hai năm tới cho Bộ Tư lệnh An ninh biên giới từ 75 triệu bảng lên 150 triệu bảng. Khoản ngân sách này sẽ được dành để mua sắm thiết bị giám sát công nghệ cao và trả lương cho các điều tra viên chuyên trách. Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper nhận định, khoản tăng thêm sẽ đem lại một bước tiến lớn trong nỗ lực đối phó loại tội phạm này. Theo bà Cooper, các băng nhóm buôn bán người đang phá hoại an ninh biên giới và gây nguy hiểm cho tính mạng của người di cư, song vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Các biện pháp nêu trên được đưa ra trong bối cảnh đảng Bảo thủ tiếp tục chỉ trích Thủ tướng Starmer trong cách xử lý người nhập cư bất hợp pháp. Gây sức ép yêu cầu Chính phủ Anh xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề này, đảng Bảo thủ cho rằng, ông Starmer không nên hủy bỏ kế hoạch của chính phủ tiền nhiệm. Trong khi đó, Hội đồng Người tị nạn cho rằng, việc mở rộng các tuyến đường an toàn phải là một phần không thể thiếu của bất kỳ chiến lược nào nhằm giảm tình trạng vượt biên. Theo tổ chức hỗ trợ người tị nạn tại Anh, nếu không có các lộ trình an toàn và hợp pháp, người tị nạn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mạo hiểm đi theo các tuyến đường do những kẻ buôn người kiểm soát.

Việc ngăn chặn dòng người di cư khó có thể giải quyết chỉ với nỗ lực từ phía Anh mà cần cả sự phối hợp từ phía bên kia eo biển Manche. Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) là điểm đến đầu tiên của người di cư tìm cách tới Lục địa già. Do đó, sự hợp tác giữa Anh và các nước thành viên EU trong giải quyết thách thức chung này là điều được ông Starmer đề cập trong các chuyến công du châu Âu thời gian qua.