Áp lực với EU trên đường đua tăng trưởng

Tại cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu vừa diễn ra tại Hungary, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Tuyên bố Budapest về sức cạnh tranh của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Trong bối cảnh cuộc đua tăng trưởng ngày càng khốc liệt, nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành yêu cầu cấp thiết để EU sớm bắt kịp tốc độ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuyên bố Budapest đã phác thảo sơ lược các biện pháp nhằm tiếp thêm sức mạnh để nền kinh tế EU bứt tốc trên đường đua tăng trưởng. Theo đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là phát huy cao nhất vai trò của Thị trường chung EU.

Quy mô Thị trường chung EU hiện nay được cho là còn hạn chế, khi chỉ cho phép hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người lưu thông tự do trong khối. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất EU mở rộng quy mô thị trường sang các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, tài chính và quốc phòng, nhằm khắc phục tình trạng phân mảnh, do mỗi nước thành viên áp dụng một quy định khác nhau.

Các nhà lãnh đạo EU cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để giảm giá năng lượng, vốn là một trong những nguyên nhân khiến các công ty châu Âu ở thế bất lợi về khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp ngoài khối.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết, mặc dù giá năng lượng đã giảm đáng kể so mức đỉnh điểm, song các công ty EU vẫn phải đối mặt giá điện cao hơn 150% so với giá ở Mỹ, trong khi phải trả nhiều hơn gần 350% cho khí đốt tự nhiên.

Liên minh Cờ xanh đồng thời cam kết giảm gánh nặng hành chính nhằm xây dựng môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đặt mục tiêu đưa châu Âu lên vị trí tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu; dành 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2030; xây dựng ngành nông nghiệp có sức cạnh tranh; thúc đẩy lĩnh vực công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số…

Tuyên bố Budapest được đưa ra trong bối cảnh EU đang đối mặt áp lực bứt tốc trên đường đua tăng trưởng với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng GDP của EU trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm một nửa. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lo ngại, nếu không sớm được điều chỉnh, tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của châu Âu trong giai đoạn 2020-2029 sẽ giảm chỉ còn 1,45%.

Trong thư gửi các thành viên Hội đồng châu Âu mới đây, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cảnh báo, nếu không nhanh chóng đảo ngược xu thế đáng lo ngại này, Liên minh Cờ xanh có thể rơi vào tình trạng chậm chân trên đường đua với các nền kinh tế khác. Các chuyên gia kinh tế của IMF cũng khuyến cáo EU thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, nhất là vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh, để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Đây không phải lần đầu vấn đề năng lực cạnh tranh của nền kinh tế EU được đề cập. Cùng quan điểm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cựu Thủ tướng Italia Enrico Letta cho rằng, khoảng cách tăng trưởng giữa EU và các nền kinh tế hàng đầu đang ngày càng lớn.

Trong báo cáo mới nhất, được công bố cuối tháng 10 vừa qua, IMF cảnh báo, khoảng cách giữa GDP của EU và Mỹ tiếp tục được nới rộng trong những năm tới. Sự chênh lệch về năng suất được thể hiện ở hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng rõ nhất là công nghệ. IMF cho biết, năng suất trong lĩnh vực công nghệ tại châu Âu gần như trì trệ kể từ năm 2005, trong khi tăng gần 40% ở Mỹ. Trước đó, cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng chỉ ra một trong những điểm yếu hàng đầu của nền kinh tế EU là sự trì trệ trong phát triển công nghệ tiên tiến.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp được đề cập trong Tuyên bố Budapest được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng để EU đảo ngược tình thế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đây không phải vấn đề có thể được giải quyết trong một sớm một chiều và để thực hiện thành công, cần có sự chung tay, nỗ lực của tất cả các nước thành viên Liên minh Cờ xanh.