OECD: Khủng hoảng năng lượng và lạm phát có nguy cơ đẩy các nền kinh tế lớn vào suy thoái

NDO - Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại so với dự báo do ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát có nguy cơ dẫn đến suy thoái ở các nền kinh tế lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2023. (Ảnh minh họa: Reuters)
Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2023. (Ảnh minh họa: Reuters)

Đây là nhận định được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra ngày 26/9.

Trong đó tổ chức này cho biết, trong khi tăng trưởng toàn cầu năm nay vẫn được kỳ vọng ở mức 3%, triển vọng được dự báo sẽ giảm tốc xuống còn 2,2% vào năm 2023, điều chỉnh giảm so với mức 2,8% đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.

GDP toàn cầu trong năm tới được dự báo sẽ giảm hơn 2,8 nghìn tỷ USD so với dự báo của OECD trước khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine. Khoản thiệt hại này tương đương với quy mô của nền kinh tế Pháp.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho biết trong 1 tuyên bố rằng, nền kinh tế toàn cầu đã mất đà sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tăng trưởng GDP đã đình trệ ở nhiều nền kinh tế và các chỉ số kinh tế cho thấy “một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài”.

Trong đó, diễn đàn chính sách có trụ sở tại Paris đặc biệt bi quan về triển vọng ở châu Âu - nền kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất từ ​​hậu quả cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tăng trưởng GDP đã đình trệ ở nhiều nền kinh tế và các chỉ số kinh tế cho thấy một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ chậm lại, giảm mạnh từ 3,1% trong năm nay xuống chỉ còn 0,3% vào năm 2023.

Điều này có nghĩa khối đồng tiền chung của 19 nền kinh tế châu Âu dự báo sẽ trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế trong năm sau, vốn được xác định khi GDP suy giảm trong 2 quý liên tiếp.

Con số này cũng đánh dấu sự sụt giảm đáng kể so với dự báo triển vọng kinh tế gần nhất của Eurozone mà OECD đưa ra vào tháng 6, khi tổ chức này dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm tới.

OECD cũng đưa ra dự báo ảm đạm về nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Đức. Tăng trưởng của đầu tàu kinh tế châu Âu được dự báo sẽ thu hẹp 0,7% trong năm tới - giảm so với mức ước tính trước đó là 1,7%.

OECD cảnh báo việc nguồn cung năng lượng tiếp tục bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, đồng thời đẩy lạm phát tăng cao, đặc biệt là ở châu Âu, khi tình trạng này có thể kéo lùi tăng trưởng khu vực 1,25 điểm phần trăm và khiến lạm phát tăng thêm 1,5 điểm phần trăm, đẩy nhiều quốc gia vào suy thoái trong cả năm 2023.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ chậm lại, giảm mạnh từ 3,1% trong năm nay xuống chỉ còn 0,3% vào năm 2023.

Mặc dù ít phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu so với châu Âu, Mỹ được cho là đang rơi vào tình trạng suy thoái trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tiếp tục tăng lãi suất để ứng phó lạm phát tăng cao.

OECD dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, từ mức 1,5% trong năm nay xuống chỉ còn 0,5% trong năm tới, giảm so với mức dự báo hồi tháng 6 là 2,5% cho năm 2022 và 1,2% vào năm sau.

Trong khi đó, OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay và năm 2023 lần lượt xuống còn 3,2% và 4,7%. Tổ chức này trước đó đã kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và 4,9% vào năm 2023.

Bất chấp triển vọng xấu đi nhanh chóng của các nền kinh tế lớn, OECD cho rằng cần phải tăng lãi suất để chống lạm phát, đồng thời dự báo hầu hết các ngân hàng trung ương lớn sẽ tăng lãi suất đến ngưỡng 4% trong năm tới.

Trong bối cảnh nhiều chính phủ đang tăng cường các gói hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ứng phó lạm phát tăng cao, OECD cho biết các biện pháp này nên nhắm vào những đối tượng cần nhất và chỉ nên là biện pháp tạm thời để giảm chi phí, đồng thời không tạo thêm gánh nặng cho các khoản nợ vốn đã tăng cao sau đại dịch Covid-19.