Gập ghềnh con đường “xanh hóa”

Năm nay, nước chủ nhà Azerbaijan chọn chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới xanh” cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), với kỳ vọng về một tương lai xanh cho thế giới. Đi đầu trong nỗ lực chuyển đổi xanh, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng khẳng định lại quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, con đường “xanh hóa” trên toàn cầu còn gặp nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Tháng 12 năm ngoái, các nước tham dự COP28 đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Các nước nhất trí chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, bắt đầu trong thập niên này, theo cách công bằng, có trật tự và phù hợp, để đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050. Trong bối cảnh các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tạo ra khoảng 75% tổng lượng khí nhà kính trên toàn cầu, thỏa thuận nêu trên được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong nỗ lực giảm khí thải gây biến đổi khí hậu.

Tại COP29, đang diễn ra ở thủ đô Baku của Azerbaijan, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa nhằm hỗ trợ các quốc đảo nhỏ đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Ông Guterres cũng nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề khí hậu, trong bối cảnh các nước G20 chiếm tới 80% lượng phát thải toàn cầu, song các quốc đảo nhỏ mới là bên phải chống chọi mối đe dọa về nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Các nước đã đưa ra những cam kết rõ ràng và tích cực về năng lượng tái tạo, trung hòa khí thải, trong đó có cam kết đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần năng lực sản xuất năng lượng tái tạo; nhân đôi tốc độ trung bình cải thiện hiệu quả năng lượng; tăng tốc nỗ lực toàn cầu để trung hòa khí thải trong các hệ thống năng lượng; sử dụng nhiên liệu không phát thải hoặc phát thải thấp trước hoặc trong năm 2050… Tuy nhiên, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo thỏa thuận của COP28 vẫn là bài toán khó. Muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để phát triển công nghệ mới, đồng thời hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp chuyển đổi.

Theo các chuyên gia, tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh trên thế giới cần khoản đầu tư 4.000 tỷ USD/năm vào giữa thập niên tới. Theo ước tính của nhóm chuyên gia độc lập được Liên hợp quốc ủy nhiệm, mỗi năm các nước đang phát triển cần 1.000 tỷ USD để giải quyết các vấn đề liên quan khí hậu. Một liên minh các nước đang phát triển cũng yêu cầu nguồn quỹ để hỗ trợ các nước nghèo 1.300 tỷ USD/năm để ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, trên thực tế vẫn có khoản đầu tư lớn chảy vào nhiên liệu hóa thạch. Theo nhóm vận động phi lợi nhuận The ONE Campaign, trong giai đoạn 2010-2022, các nước giàu đã chi 2.700 tỷ USD vào các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trong nước, nhiều gấp 6 lần so với mức tài trợ mà các nước này đã cam kết cho tài chính khí hậu quốc tế. Thực tế này cho thấy công cuộc chuyển đổi xanh vẫn vô cùng gian nan.

Các nhà khoa học khí hậu cho biết, sự nóng lên của khí quyển, chủ yếu do hoạt động của con người liên quan nhiên liệu hóa thạch, đang làm gia tăng thời tiết cực đoan với hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Ưu tiên thảo luận tại vòng đàm phán khí hậu ở Baku là chủ đề các nước giàu sẽ chi bao nhiêu để giúp các nước đang phát triển “xanh hóa” hệ thống năng lượng, tăng cường khả năng thích ứng và giải quyết các hệ lụy từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự chia rẽ về vấn đề tài chính khí hậu vẫn dễ thấy trong các phòng đàm phán tại COP29.