Quảng Nam có nhiều món ăn nổi tiếng như: mỳ Quảng, cao lầu Hội An, bê thui Cầu Mống, cơm gà Tam Kỳ... nhưng trong đó, mỳ Quảng là món ăn riêng biệt gắn với vùng đất Quảng Nam từ buổi sơ khai. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của món ăn mỳ Quảng là một phần không thể tách rời các nghề và làng nghề truyền thống ở Quảng Nam như: Nghề trồng lúa, nghề làm bánh tráng, nghề trồng rau... Ðây là món ăn bình dân, khá phổ biến ở các làng quê xứ Quảng, có mặt ở tất cả mọi gia đình trong các dịp đám-chạp, lễ, Tết, tiệc tùng...
Thời gian qua, có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc món mỳ Quảng, nhưng đến nay, vẫn chưa ai có thể xác định được món ăn nổi tiếng này có từ bao giờ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, mỳ Quảng có từ thời chúa Nguyễn, kể từ khi hình thành Hội An, một thương cảng sầm uất nhất xứ đàng trong; đặc biệt có sự giao thoa văn hóa giữa người Việt, người Hoa, người Nhật Bản và châu Âu... Nếu xét ở góc độ này, thì chí ít món ăn này đã xuất hiện cách đây khoảng 400-500 năm. Một số bức hình vào khoảng thế kỷ 19 còn lưu lại những gánh hàng rong bán mỳ Quảng tại Phú Chiêm (thị xã Ðiện Bàn) cho thấy mỳ Quảng tại Phú Chiêm cũng đã có từ vài trăm năm trước.
Mỳ Quảng là món ăn thường ngày, làng xóm nào cũng có lò tráng mỳ, quán bán mỳ Quảng. Và đến nay, mỳ Quảng không chỉ trải khắp trên vùng đất Quảng Nam mà có thể nói rằng, nơi nào có người từ Quảng Nam đến sinh sống, lập nghiệp đều có sự xuất hiện mỳ Quảng. Bởi, đây không chỉ là món ăn ngon, bình dân, dễ chế biến mà còn là nét văn hóa của người xứ Quảng.
Do vậy, từ xưa đến nay, khi rời khỏi quê nhà đến lập nghiệp nơi khác, người xứ Quảng thường “mang” theo cách chế biến để làm món này ăn cho đỡ nhớ quê nhà; hoặc đãi người thân, bạn bè... trong những dịp lễ, Tết.
Cách chế biến mỳ Quảng tuy không mấy cầu kỳ, nhưng để có được tô mỳ ngon, đúng chất, người Quảng Nam thường đem gạo ngâm với nước ấm tầm 30 phút cho mềm, sau đó đổ vào cối đá xay thành bột nước, rồi đem bột tráng và xắt thành sợi mỳ. Theo các cụ cao niên, muốn có tô mỳ Quảng ngon, đúng chất Quảng cần phải chuẩn bị nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: tôm, thịt heo, thịt gà, xương hầm... để làm nước nhưn và nhất là phải có bánh tráng nướng, rau sống, ớt xanh, chanh... để ăn kèm. Nước nhưn phải luôn giữ nóng, chan không bao giờ ngập hết sợi mỳ (như bún) cho nên trông rất hấp dẫn, mùi thơm tỏa ra đánh thức vị giác... làm người dân và du khách khó quên món ăn này.
Người dân vùng đông huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), ai cũng biết quán Mỳ Quảng Cô An (ở thôn Hạ Mỹ, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên). Từ 20 năm nay, quán chỉ phục vụ người dân địa phương. Nhưng bây giờ, Mỳ Quảng Cô An không chỉ có bán mỳ cho người dân trong xóm, làng, mà nơi đây đã trở thành điểm trải nghiệm của du khách quốc tế. Các đoàn khách nước ngoài đến quán Mỳ Quảng Cô An được trải nghiệm các công đoạn như: Xay bột gạo, pha bột, tráng mỳ rồi đến làm rau sống, nước chấm... cho đến cách thưởng thức món mỳ Quảng.
Trải qua hàng trăm năm, giờ món mỳ Quảng không chỉ có người Quảng Nam thích, mà cả du khách trong và ngoài nước cũng thấy thú vị khi thưởng thức món ăn đạm bạc, đủ chất và vừa túi tiền này. Cách đây hơn 10 năm trước, Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức xác lập mỳ Quảng là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt “Giá trị ẩm thực châu Á”.
Ðiều đáng mừng nữa là mỳ Quảng đã có mặt trong các bữa tiệc sang trọng của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006, năm 2018; trong tiệc chiêu đãi các đại biểu Quốc hội năm 2016. Ngoài ra, mỳ Quảng còn hiện diện trong Tuần Văn hóa du lịch Quảng Nam tại Hà Nội năm 2009, trong các kỳ Festival Di sản Quảng Nam, Lễ hội văn hóa giao lưu Việt Nam-Nhật Bản, Lễ hội ẩm thực đường phố ở Hội An...
Sự độc đáo trong món mỳ Quảng là sự đa dạng trong phong cách chế biến, mùa nào thức ấy, bất cứ sản vật nào như: Tôm, thịt heo, gà, cá lóc, lươn... cũng có thể chế biến thành nhưn mỳ. Mỳ Quảng chứa đựng đầy đủ các đặc trưng của ẩm thực xứ Quảng, với sự đa dạng trong nguyên liệu và linh hoạt, sáng tạo trong phương thức chế biến. Nhiều người Quảng Nam do hoàn cảnh phải rời xa quê hương, đến định cư ở vùng đất mới, thì món mỳ Quảng cũng theo chân họ.
Hiện nay, mỳ Quảng có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới có số đông cộng đồng người Việt sinh sống như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, châu Âu... Tại đây, mỳ Quảng có sự thay đổi về hình thức và cách chế biến so với nguyên bản để giúp món ăn thêm phần hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu ẩm thực nhưng vẫn đậm đà hương vị đặc trưng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng nhìn nhận, mỳ Quảng không chỉ là món ăn mà còn là nỗi nhớ, là tập quán thấm sâu vào tiềm thức của mỗi con người xứ Quảng. Nét đặc sắc trong món ăn này không chỉ là việc ăn uống mà là văn hóa, lịch sử, lễ nghi... thể hiện qua sự đa dạng và phong phú ở sản vật, kinh nghiệm trải qua hàng trăm năm để tạo nên hương vị đặc trưng trong cách chế biến riêng có của người xứ Quảng và tồn tại như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm của vùng đất Quảng Nam.