Lao động tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina, Hàn Quốc, tại Quảng Ninh. (Ảnh: Thành Đạt)
Lao động tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina, Hàn Quốc, tại Quảng Ninh. (Ảnh: Thành Đạt)

Một số đề xuất với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Sau hơn một năm chuẩn bị và soạn thảo, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ trình lấy ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vào tháng 11 này. Đây là dự thảo Luật quan trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Trước đó, dự án cũng đã được lấy ý kiến, đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến rộng rãi từ các đối tượng chịu tác động.

Bổ sung một nhóm đối tượng nhận chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng

Thạc sĩ Điều Bá Được, nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đề xuất, trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội này, nên bổ sung chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội đối với người đã có đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật này.

Quy định này sẽ khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu tích lũy từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì sẽ nhận được mức lương hưu đủ sống khi về già.

Với quy định này, sẽ khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu tích lũy từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì sẽ nhận được mức lương hưu đủ sống khi về già.

Trường hợp khi đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm thì sẽ được nhận một khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được tính theo các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, chia sẻ.

Một số đề xuất với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 1
Ảnh: Nam Nam.

Tuy mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thấp hơn mức lương hưu, nhưng số tiền này sẽ rất có ý nghĩa đối với người già, là một khoản hỗ trợ đời sống hết sức quan trọng nhằm giảm bớt gánh nặng an sinh đối với bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Quy định này sẽ giúp người lao động có thêm một sự lựa chọn trước khi quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần nên xem đây là một trong các giải pháp nhằm hướng tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW.

Tuy mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thấp hơn mức lương hưu, nhưng số tiền này sẽ rất có ý nghĩa đối với người già, là một khoản hỗ trợ đời sống hết sức quan trọng nhằm giảm bớt gánh nặng an sinh đối với bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Là người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, ông Điều Bá Được nhấn mạnh, đây là vấn đề liên thông, kết hợp giữa chính sách bảo hiểm xã hội có đóng góp và không có đóng góp hoặc đóng góp ít. Đối với người đã có đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định của Bộ luật Lao động nhưng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm và chưa đủ tuổi để được nhận trợ cấp hưu trí xã hội, đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện), nếu có nguyện vọng thì được hưởng trợ cấp hằng tháng sớm hơn so với thời điểm đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Quỹ Hưu trí và tử tuất chi trả trợ cấp hằng tháng và đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng.


"Đây là vấn đề liên thông, kết hợp giữa chính sách bảo hiểm xã hội có đóng gópkhông có đóng góp, hoặc đóng góp ít"

Thạc sĩ Điều Bá Được


Thời điểm hưởng, thời gian hưởng, mức hưởng tùy thuộc vào tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và mức tiền lương hoặc thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng không thấp hơn mức trợ cấp hưu trí xã hội tại thời điểm hưởng.

Trong thời gian hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, nếu đến đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng đồng thời trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của luật này theo nguyên tắc:

Nếu mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cộng với mức trợ cấp hưu trí xã hội tối thấp hơn mức sàn lương hưu (mức lương hưu tối thiểu) thì được hưởng đồng thời cả hai chế độ.

Nếu mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cao hơn mức lương hưu tối thiểu thì được hưởng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Khi chết, người lo mai táng được nhận khoản tiền trợ cấp mai táng như đối với người hưởng lương hưu chết và được hưởng chế độ tuất một lần theo quy định của Luật này.

Mức cụ thể do Chính phủ quy định phù hợp khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội, nếu không đủ thì Ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được điều chỉnh giống như điều chỉnh lương hưu theo quy định của Luật này.

Về đề xuất thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, ông Điều Bá Được nêu ý kiến, thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng phụ thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng nhiều thì thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng càng sớm nhưng sớm nhất cũng phải bằng độ tuổi hưởng lương hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Điều này khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng nhiều để được hưởng quyền lợi càng cao.

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giảm từ đủ 80 tuổi xuống còn đủ 75 tuổi. Thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng phụ thuộc vào độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, với xu hướng độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giảm dần tiệm cận với độ tuổi hưởng lương hưu. Vì vậy, nếu bổ sung quy định này sẽ tạo động lực cho người lao động, huy động được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi về già được hưởng lương hưu hoặc chí ít ra cũng được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Theo đó, ông Điều Bá Được đưa ra Bảng mô phỏng về thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dự kiến như sau:

Thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội

Thời điểm hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ khi đủ

Thời điểm nhận trợ cấp hưu trí xã hội + trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ khi đủ

14 năm - 14 năm 11tháng

61 tuổi

75 tuổi

13 năm - 13 năm 11tháng

62 tuổi

75 tuổi

12 năm - 12 năm 11 tháng

63 tuổi

75 tuổi

11 năm - 11 năm 11 tháng

64 tuổi

75 tuổi

10 năm -10 năm 11 tháng

65 tuổi

75 tuổi

9 năm - 9 năm 11 tháng

66 tuổi

75 tuổi

8 năm - 8 năm 11 tháng

67 tuổi

75 tuổi

7 năm - 7 năm 11tháng

68 tuổi

75 tuổi

6 năm - 6 năm 11 tháng

69 tuổi

75 tuổi

5 năm - 5 năm 11tháng

70 tuổi

75 tuổi

4 năm - 4 năm 11 tháng

72 tuổi

75 tuổi

3 năm - 11 tháng

72 tuổi

75 tuổi

2 năm - 2 năm 11tháng

73 tuổi

75 tuổi

1 năm (đủ 12 tháng)

74 tuổi

75 tuổi

Với đề xuất này, cách tính mức hưởng và tỷ lệ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dự kiến như sau: Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng = Mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (X) Tỷ lệ hưởng.

Tỷ lệ % hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dự kiến: được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cụ thể: năm thứ nhất (đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội) được tính bằng 22%, sau đó cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng) được tính thêm 1,64%, mức tối đa bằng 44,96%. Cách tính tỷ lệ % nếu có tháng lẻ thì cách tính giống như cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu có tháng lẻ.

Gặp khó khăn đột xuất, lao động được vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội

Một nội dung đáng quan tâm theo đề xuất của nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) là bổ sung quy định được vay khi gặp khó khăn đột xuất từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, đối với người đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nếu gặp khó khăn đột xuất mà không tự khắc phục được, có nhu cầu vay thì được Quỹ Bảo hiểm xã hội cho vay, với lãi suất bằng lãi suất đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội tại thời điểm cho vay. Sau khi khắc phục khó khăn, người lao động hoàn trả lại Quỹ Bảo hiểm xã hội gồm cả gốc và lãi.

Quy định này nhằm giúp người lao động có một khoản tiền để giải quyết khó khăn trước mắt mà không phải rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc mang sổ bảo hiểm xã hội, sổ hưu đi thế chấp để vay tiền với lãi suất cao.

Giữ quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần với 3 trường hợp

Ông Điều Bá Được cũng cho rằng, cần đề nghị giữ nguyên quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần hiện hành đối với các trường hợp: mắc bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng; ra nước ngoài để định cư và bãi bỏ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Lý do đề xuất là để người lao động khi hết tuổi lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nhất từ đủ một năm (12 tháng) trở lên có cơ hội được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo phân tích ở mục trên.

Một số đề xuất với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ảnh 2
Ảnh: Nam Nam.

Các trường hợp vì lý do bất khả kháng, khi người lao động đã nghiên cứu kỹ, nắm được tất cả các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan nhưng vẫn không thể tự khắc phục được vẫn có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Trong trường hợp này, nên giải quyết cho người lao động được nhận bảo hiểm xã hội một lần mà không phải chờ sau 12 tháng kể từ khi nghỉ việc như Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Bổ sung quy định chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi bị sa thải

Một ý kiến cuối cùng được ông Điều Bá Được chia sẻ là đề nghị bổ sung quy định chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi bị sa thải, đã có thời gian đóng đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên mà chưa hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, nếu tự nguyện chờ đến khi đủ tuổi để nhận lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện thì được nhận một khoản trợ cấp hằng tháng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho người lao động duy trì cuộc sống trong thời gian tìm kiếm việc làm mới hoặc chờ đến khi được nhận lương hưu.

Quy định này chỉ áp dụng đối với người lao động bị người sử dụng lao động sa thải khi đã có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) trở lên, trong đó có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên mà chưa nhận trợ cấp thất nghiệp, có nguyện vọng chờ đến khi đủ tuổi để nhận lương hưu.


Quy định này chỉ áp dụng đối với người lao động bị người sử dụng lao động sa thải khi đã có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) trở lên, trong đó có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên mà chưa nhận trợ cấp thất nghiệp, có nguyện vọng chờ đến khi đủ tuổi để nhận lương hưu.


Mức cụ thể do Chính phủ đề xuất trình Quốc hội phê duyệt phù hợp khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nội dung này đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật việc làm cho đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Với những ý tưởng đề xuất với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trên đây, để có đủ căn cứ ban hành chính sách, theo ông Điều Bá Được, cần căn cứ cơ sở dữ liệu đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bao gồm cả dữ liệu hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ năm 1995 đến nay, dữ liệu hưởng bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý cùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan. Từ đó, sử dụng các phương pháp tính toán khoa học có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để phân tích, tính toán, dự báo, cân đối, đánh giá tác động về ý tưởng đề xuất nêu trên để lựa chọn phương án khả thi.

back to top