7 nhóm địa phương áp dụng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

NDO - Theo quy định mới ban hành của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có 7 nhóm địa phương áp dụng các mức đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm khác nhau từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đơn giá áp dụng theo nhóm địa phương

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 1442/QĐ-LĐTBXH ngày 27/9/2023 ban hành đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm ban hành theo quyết định này áp dụng đối với các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm.

Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội được phân thành 7 nhóm để áp dụng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Đối tượng sử dụng dịch vụ là người lao động thuộc đối tượng được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm.

Đối tượng cung cấp dịch vụ là trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật.

Quy trình thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội được phân thành 7 nhóm để áp dụng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Cụ thể, nhóm 1 chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm 2 có 7 tỉnh, thành phố là: Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng.

Nhóm 3 có 12 tỉnh gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, Phú Thọ, Tây Ninh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Vĩnh Phúc.

Nhóm 4 có 17 địa phương, gồm: An Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế.

Nhóm 5 có 11 địa phương, gồm: Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận, Gia Lai, Hậu Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Bình, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Nhóm 6 có 8 tỉnh, gồm: Hòa Bình, Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Trị, Sơn La, Tuyên Quang.

Nhóm 7 có 7 tỉnh, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái.

7 nhóm địa phương áp dụng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1
Đơn giá dịch vụ tư vấn cho người lao động.

Quyết định cũng ban hành đơn giá dịch vụ tư vấn và đơn giá dịch vụ giới thiệu việc làm cho người lao động.

Trước hết, đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động được tính từ các yếu tố: Chi phí lao động; Chi phí vật tư, công cụ, dụng cụ; Chi khấu hao tài sản cố định.

Như vậy, đơn giá dịch vụ tư vấn áp dụng với Thành phố Hồ Chí Minh (địa phương thuộc nhóm 1) thấp nhất cả nước, 52.903 đồng/ca. Đơn giá cao nhất là các tỉnh ở nhóm 7 với mức là 102.954 đồng/ca.

Đơn giá dịch vụ giới thiệu việc làm cho người lao động với Thành phố Hồ Chí Minh cũng thấp nhất, 111.845 đồng/ca. Cùng với đó, đơn giá áp dụng với các tỉnh, thành phố ở nhóm 2 là 140.018 đồng/ca; nhóm 3 là 160.385 đồng/ca; nhóm 4 là 174.523 đồng/ca; nhóm 5 là 183.477 đồng/ca; nhóm 6 là 204.125 đồng/ca; nhóm 7 là 220.883 đồng/ca.

7 nhóm địa phương áp dụng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ảnh 2
Đơn giá dịch vụ giới thiệu việc làm cho người lao động.

Cục Việc làm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đơn giá tư vấn, giới thiệu việc làm theo quyết định này. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan trình Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định thay đổi về đơn giá khi có thay đổi về công nghệ, mức lương cơ sở, đơn giá lao động hoặc các yếu tố làm định mức và đơn giá không còn phù hợp thực tiễn.

Hằng năm, trước ngày 15/1, Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình thực hiện đơn giá tư vấn, giới thiệu việc làm năm trước gửi về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Cục Việc làm).

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh đề nghị phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Cục Việc làm) để xem xét, giải quyết.

Phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp

Theo Luật Việc làm hiện hành, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

Cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý.

Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Nguồn hình thành Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định như đã nêu trên, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ, nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng với 7 mục đích. Đó là: Chi trả trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

Cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý. Hiện nay, Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh đang thực hiện xây dựng các phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng với 7 mục đích. Đó là: Chi trả trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

Việc hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp đang được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước và sẽ dần chuyển đổi sang bảo đảm từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để chính sách bảo hiểm thất nghiệp triển khai có hiệu quả và phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Chi phí tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần nội dung cải cách đã được đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách bảo hiểm xã hội.

Theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Theo Cục Việc làm, kể từ khi Luật Việc làm có hiệu lực (từ năm 2015 đến nay), số người được tư vấn, giới thiệu việc làm đạt khoảng hơn 11,5 triệu lượt người. Trong đó, khoảng hơn 1,4 triệu lượt người được giới thiệu việc làm.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm từ đầu năm đến nay là gần 755 nghìn lượt người, trong đó có gần 75 nghìn người được giới thiệu việc làm.

Trước đó, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định 1051/QĐ-BLĐTBXH ngày 10/8/2018 quy định về định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm đối với người lao động. Các địa phương căn cứ vào thực tế để tính hệ số đối với định mức và căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương để xây dựng và ban hành đơn giá thực hiện trên địa bàn. Hiện nay, chưa đến 10 tỉnh đã và đang xây dựng ban hành đơn giá dịch vụ công lĩnh vực việc làm theo Quyết định này.

Đơn giá tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp áp dụng chung cho toàn quốc, được chi từ quỹ này khi thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Việc tính đơn giá này cũng căn cứ trên cơ sở khoa học, tính đúng, tính đủ và thực tế của các địa phương để phân chia theo các nhóm đơn giá làm cơ sở thanh toán phí đối với đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ này.