Ảnh: Thành Đạt.
Ảnh: Thành Đạt.

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu

Trong nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tính toán, đề xuất mức sàn lương hưu (mức lương hưu tối thiểu) theo nguyên tắc lương hưu tối thiểu phải bảo đảm đủ sống cho người hưởng, phù hợp khả năng chi trả của Quỹ Hưu trí và tử tuất. Mức lương hưu tối thiểu là những tiêu chuẩn cơ bản, tối thiểu nhất cần phải có để bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người hưởng.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phiên bản mới nhất bao gồm 10 chương, 136 điều, tăng 1 chương và 11 điều so Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Là dự thảo Luật thu hút được sự quan tâm của đông đảo người lao động, doanh nghiệp và toàn xã hội, văn bản này sẽ sớm được trình lên Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vào tháng 11 này.

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 1

Thạc sĩ Điều Bá Được, nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, mục đích sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này nhằm hướng đến mục tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, ông Điều Bá Được đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 2

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thu hút được sự quan tâm của đông đảo người lao động, doanh nghiệp và toàn xã hội. (Ảnh: nhandan.vn)

Ở dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ đủ 20 năm xuống từ đủ 15 năm là phù hợp thực tế và sát với thông lệ quốc tế.

Theo ông Điều Bá Được, bên cạnh việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được nhận lương hưu, cần phải sửa đổi cách tính lương hưu bảo đảm các nguyên tắc công bằng (giữa lao động nam và lao động nữ, giữa lao động ở khu vực nhà nước và lao động ở khu vực ngoài nhà nước).


Cần phải sửa đổi cách tính lương hưu bảo đảm các nguyên tắc công bằng (giữa lao động namlao động nữ, giữa lao động ở khu vực nhà nước và lao động ở khu vực ngoài nhà nước).


Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 3

Bổ sung nguyên tắc chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí và thiết kế công thức tính lương hưu thể hiện rõ nguyên tắc chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm xã hội cao với người đóng bảo hiểm xã hội thấp, thể hiện rõ bản chất của bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, cần làm rõ sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí.

>>> Xem thêm: 11 điểm mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Ông Điều Bá Được cho rằng, cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngoài khu vực Nhà nước với mức tiền lương làm căn cứ đóng rất thấp, chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với mức tiền lương tối thiểu vùng.

Điều này gây thiệt hại cho người lao động khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật nên quy định mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thấp nhất bằng 70% số tiền người lao động thực nhận, để người lao động đỡ thiệt thòi khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nếu không, điều này khiến họ sẽ phải nhận mức lương hưu rất thấp sau này.

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 4
Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 5

Thạc sĩ Điều Bá Được cũng nhấn mạnh, trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, cũng cần nghiên cứu, tính toán, đề xuất mức sàn lương hưu (mức lương hưu tối thiểu) theo nguyên tắc lương hưu tối thiểu phải bảo đảm đủ sống cho người hưởng, phù hợp khả năng chi trả của Quỹ Hưu trí và tử tuất, tuân thủ theo các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nếu đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, với căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với mức tiền lương tối thiểu vùng (thậm chí chỉ bằng mức lương cơ sở) thì theo cách tính lương hưu nêu trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phiên bản mới nhất này, khi nghỉ hưu đúng tuổi, người lao động sẽ nhận được mức lương hưu “rất khiêm tốn”, còn thấp hơn mức chuẩn nghèo và lao động nam sẽ nhận lương hưu thấp hơn lao động nữ.

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 6

Lý do cơ bản là mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp, cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tháng làm căn cứ tính lương hưu làm việc ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước còn khác nhau; cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ quy định khác nhau, nếu cùng có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì lao động nữ được tính bằng 45%, nhưng lao động nam chỉ được tính bằng 33,75%.

Mức lương hưu rất thấp không đủ sống là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần. Nếu không tháo gỡ được nút thắt này, thì sẽ rất khó thuyết phục người lao động yên tâm tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để sau này hưởng lương hưu.

Từ bất cập nêu trên, ông Điều Bá Được đề nghị nghiên cứu sửa quy định về cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu sao cho công bằng giữa lao động nam và lao động nữ, cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng lương hưu công bằng đối với người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bổ sung quy định người lao động có thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội càng nhiều thì sẽ được hưởng lương hưu sớm hơn so với tuổi quy định của Bộ luật Lao động.

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 7

Ảnh: nhandan.vn.

Cụ thể: người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên đối với nữ, từ đủ 35 năm trở lên đối với nam; nếu có nguyện vọng thì được hưởng lương hưu sớm hơn so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động mà không bị giảm tỷ lệ % hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi.

Mặt khác, nên tính toán để có thể nâng mức nhận trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.

Cụ thể: ”Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn thì được tính bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội”.


Nên tính toán để có thể nâng mức nhận trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.


*

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 8
(Ảnh: Thành Đạt)

Quy định này nhằm khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhiều để được hưởng lương hưu sớm hơn hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đồng thời, rà soát điều chỉnh, bổ sung về nghề, công việc nặng nhọc độc hại, đặc biệt độc hại để người lao động được nghỉ hưu sớm hơn từ 5 đến 10 tuổi tùy theo nghề, công việc cho phù hợp thực tế khi người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, trong đó, có từ đủ 15 năm trở lên làm việc và đóng bảo hiểm xã hội làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại hoặc làm việc và đóng bảo hiểm xã hội ở khu vực có khó khăn theo Danh mục quy định.

Ông Điều Bá Được cũng đề nghị cân nhắc bãi bỏ điều kiện phải có Biên bản giám định khả năng lao động đối với người lao động khi nghỉ hưu trước tuổi trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 9

(Ảnh: nhandan.vn.)

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 10

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu, đạt mức trung bình giải quyết lương hưu mỗi năm cho khoảng 109 nghìn người. Trong đó, có khoảng 420 nghìn người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, chiếm tỷ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí.

Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu.

Trong tổng số nhóm đối tượng hưởng chính sách hưu trí này, gần 1,9 triệu người có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng, chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước.

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 11

Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhiều doanh nghiệp “lách luật” thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không đúng với mức tiền lương, thu nhập thực tế của họ.

Tại một số đơn vị, thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động luôn ở mức thấp nhất, dẫn đến mức hưởng bình quân của người lao động sẽ thấp khi nghỉ hưu.

Đơn cử về trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội mức thấp nên có mức hưởng lương hưu thấp như trường hợp của bà Nguyễn Thị N. (sinh năm 1962) có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội là 20 năm 3 tháng, tỷ lệ hưởng lương hưu là 61%.

Tuy nhiên, bà N. có đến 2/3 thời gian quá trình tham gia bảo hiểm xã hội với mức tiền lương thấp (có nhiều năm, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của bà N. chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng...). Do vậy, khi nghỉ hưu vào tháng 5/2017, bà N. có mức lương là 1.074.586 đồng.

Cần nghiên cứu, đề xuất mức lương hưu tối thiểu ảnh 12

(Ảnh: nhandan.vn)

Trải qua lần điều chỉnh lương hưu theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đến tháng 6/2023, số tiền hưu mà bà N. được lĩnh tăng lên là 1.600.300 đồng.

Qua thực trạng trên cho thấy, mặc dù tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu khá cao (tối đa 75%), nhưng do mức đóng thấp, thời gian đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu ngắn, tình trạng người lao động (đặc biệt là người lao động làm việc ngoài khu vực Nhà nước) nghỉ hưu trước tuổi nhiều, đóng không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động … dẫn đến mức hưởng bình quân hiện nay của nhiều người lao động còn thấp.

--------------------

Nội dung: LAN VŨ - NGÂN LÊ

Ảnh: THÀNH ĐẠT - NAM NGUYỄN - BÁO NHÂN DÂN…

Trình bày: PHƯƠNG NAM

back to top