Lập lại trật tự giao thông trên đường Nguyễn Trãi

Từ ngày 6/8, tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại một lần nữa được phân làn ô-tô và xe máy. Hầu hết người tham gia giao thông trên tuyến đường này đều mong muốn lực lượng chức năng làm quyết liệt, không "đánh trống bỏ dùi" như thời gian trước đây.
0:00 / 0:00
0:00
Giao thông trên đường Nguyễn Trãi bước đầu có chuyển biến sau khi phân làn.
Giao thông trên đường Nguyễn Trãi bước đầu có chuyển biến sau khi phân làn.

Đường Nguyễn Trãi là tuyến đường hướng tâm có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cùng liên ngành đã thống nhất đề xuất và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho thí điểm phân làn, tổ chức lại giao thông trong thời gian một tháng (từ ngày 6/8 đến 6/9/2022) nhằm đánh giá hiệu quả trước khi xem xét nhân rộng.

Tăng tuyên truyền, hướng dẫn

Từ sáng 6/8, một số đoạn phân cách cứng được lắp đặt để tách làn trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Tổng cộng hơn 1,5km của đoạn đường thí điểm (kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) ở cả hai chiều đường có tám đoạn được lắp dải phân cách cứng với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra. Theo phương án đó, hai làn đường sát vỉa hè mỗi bên sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với ba làn đường bên ngoài dành cho xe ô-tô. Theo ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, đặc thù của đường Nguyễn Trãi là có mặt cắt không đồng đều, có nhiều giao cắt với các ngõ nhỏ và các tuyến phố có ô-tô ra, vào nên không thể lắp liên tục, mà phải lựa chọn một số đoạn để tiến hành lắp đặt dải phân cách, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.

Trong hai ngày đầu mới tách làn, hầu hết người dân còn khá bỡ ngỡ, chưa có cách thức lưu thông phù hợp, nên vào một số thời điểm giao thông khá lộn xộn, thậm chí xảy ra va chạm giữa các phương tiện. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn tham gia giao thông kiểu tiện làn nào đi làn đó, vẫn lấn làn, cắt mặt, đi ngược chiều, thậm chí tỏ ra khó chịu khi có dải phân cách cứng. Nhất là tại các điểm giao cắt như đầu phố Cự Lộc, Vũ Trọng Phụng, Kim Giang…, không ít xe máy vẫn ngang nhiên đi ngược chiều gây rối loạn giao thông. Tại các điểm đầu cuối dải phân cách có biển báo phân làn bắt buộc, nhưng hầu như không ai để ý. Xe buýt, xe máy, ô-tô ra vào đoạn đường bên trong hàng rào rất lộn xộn, làm ảnh hưởng đến luồng lưu thông của hai làn bên trong sát mép đường. Chị Lê Ngọc Hà ở phố Kim Giang, quận Thanh Xuân chia sẻ: "Việc phân làn cứng để đi lại trật tự là rất cần thiết, nhưng cũng cần lực lượng chức năng mạnh tay xử lý xe đi ngược chiều, đi sai làn, mới có thể đưa vào quy củ, nền nếp được. Chỉ nhắc nhở sẽ không hiệu quả".

Thí điểm cũng cần quyết liệt

Trong những ngày này, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải và cảnh sát giao thông đã được tăng cường, phân bố dọc tuyến để hướng dẫn phương tiện đi đúng làn. Nhờ đó, trong các buổi sáng 9 và 10/8, ghi nhận vào khung giờ từ 8 giờ đến 9 giờ, tại các điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), giao thông đã có những bước chuyển biến. Anh Lê Văn Hùng ở đường Quang Trung, quận Hà Đông bày tỏ: "Tôi ủng hộ việc phân làn riêng biệt trên tuyến đường Nguyễn Trãi. Tuyến đường có lưu lượng phương tiện rất cao vào giờ cao điểm, trong khi đường rộng, nhiều làn đường, nhưng ô-tô, xe máy, xe buýt cứ lưu thông hỗn loạn, mất an toàn".

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo nhận định, đường Nguyễn Trãi có mật độ ô-tô, xe máy đông, nhiều đường giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc lắp đặt dải phân cách cứng tách riêng làn ô-tô, xe máy, xe buýt nhằm thử nghiệm, tìm kiếm phương án tổ chức giao thông tối ưu. Ông Trần Hữu Bảo khẳng định, đây mới chỉ là thí điểm, Sở sẽ lấy ý kiến của người dân để nghiên cứu, khắc phục những phát sinh mới trên tuyến đường Nguyễn Trãi sau khi lắp đặt dải phân cách cứng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông, đồng thời, áp dụng với những tuyến đường khác nếu hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kể cả thí điểm cũng phải tổ chức chặt chẽ nhất có thể, xem xét tính khả thi của dải phân cách từng đoạn, sự thiếu đồng bộ trên toàn tuyến như hiện nay để có thể điều chỉnh sớm, phù hợp ngay từ những ngày đầu tiên cưỡng chế các dòng phương tiện đi đúng luật, đúng làn. Anh Trần Văn Hùng ở quận Thanh Xuân nêu ý kiến: "Thực tế giao thông mấy ngày qua cho thấy, các đoạn dải phân cách cứng còn quá ngắn, không thể áp đặt hình thức lưu thông theo làn lên các phương tiện. Mặt khác, ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông quá kém, vẫn tiếp tục đi lấn làn, đi ẩu, cần xử phạt nghiêm để lập lại trật tự".

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, trong giai đoạn ý thức người dân chưa tốt, chưa có thói quen lưu thông đúng làn, nên áp dụng dải phân cách cứng. Khi ý thức được cải thiện thì có thể điều chỉnh sử dụng phân cách mềm bằng vạch sơn liền. Cũng theo ông Tân, không chỉ tuyến Nguyễn Trãi, mà Sở Giao thông vận tải nên nghiên cứu mở rộng phân làn ra nhiều tuyến đường khác có đủ điều kiện để dần hình thành một thói quen văn minh hơn trong tham giao thông.