Ông Nguyễn Văn Tằng, thôn Khe Dăm (Lâm Ca, huyện Đình Lập) cho biết: Gia đình có 3.500 cây trà hoa vàng. Với giá bán 600 đến 800 nghìn đồng/kg, hiệu quả kinh tế bước đầu rất khả quan. Theo ông Tằng, trà hoa vàng có thể thu cả hoa và lá già làm thuốc.
Từ năm 2016, huyện Đình Lập xây dựng đề án phát triển vùng cây dược liệu, đến nay, các xã trong huyện đã mở rộng diện tích trồng được hơn 500 ha gồm: cây sa nhân, cây ba kích, chè hoa vàng... Việc phát triển cây dược liệu không chỉ tạo việc làm, giúp bà con các dân tộc nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý.
Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tỉnh hiện có hơn 100 mô hình sản xuất dưới tán rừng cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh triển khai thực hiện năm dự án trồng rừng kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng với diện tích 989 ha, chủ yếu là các loại cây như: Sa nhân tím, trà hoa vàng tại các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Chi Lăng, Bình Gia.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2030, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu trồng khoảng 5.000 ha các loài cây dược liệu dưới tán rừng. Việc phát triển các mô hình sản xuất dưới tán rừng đã góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, tận dụng tốt diện tích dưới tán rừng để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, mô hình liên kết trồng cây dược liệu giữa doanh nghiệp và người dân đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình, anh Trần Văn Cương, thôn Mỏ Nhài, xã Hưng Vũ (Bắc Sơn) cho biết: “Năm 2019, khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn, gia đình tôi chuyển đổi hai mẫu ruộng canh tác kém hiệu quả sang trồng cây thủy xương bồ. Qua quá trình trồng, tôi thấy cây dễ chăm, ít bị sâu bệnh, phát triển tốt và cho thu hoạch sau hơn một năm trồng. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được gần 10 tấn củ, mang lại lợi nhuận hơn 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp hai đến ba lần so với trồng lúa”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Vũ, Dương Công Ba cho biết: Khi tham gia mô hình, người dân không chỉ được hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu mà còn được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nên không lo đầu ra. Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả của mô hình, Hội Nông dân xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Đến nay, toàn xã có khoảng 30 hộ trồng cây dược liệu với tổng diện tích hơn 25 ha, trong đó chủ yếu là các loại cây như: Cốt khí, Cát sâm. Nhờ trồng cây dược liệu, nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thêm nguồn thu nhập từ 40 đến 80 triệu đồng/năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lý Việt Hưng cho biết: Giai đoạn 2021-2030, Lạng Sơn định hướng xây dựng mở rộng vùng dược liệu ba kích tại huyện Đình Lập lên
680 ha, trong đó trồng mới 355 ha, sản lượng dự tính đạt 3.740 tấn củ tươi. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh phấn đấu trồng dược liệu dưới tán rừng là 500 ha/năm, tập trung phát triển 16 loài dược liệu, bao gồm 13 loài bản địa như: Ba kích, đinh lăng, địa liền, hồi, quế, sa nhân tím... và ba loài nhập nội là bạch chỉ, bạch truật, địa hoàng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, công nhận, bảo hộ và bảo tồn các giống cây dược liệu; nghiên cứu và phát triển giống dược liệu mới, do phần lớn bộ giống dược liệu trong nuôi trồng hiện nay vẫn dựa vào các giống địa phương cho nên năng suất thấp; khẩn trương di thực những cây thuốc quý về vườn thuốc của gia đình, các vườn thuốc của trạm y tế xã hay các mô hình vườn thuốc, rừng bảo tồn cộng đồng. Trước hết là bảo tồn, sau đó có cơ hội nhân rộng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ■