Để khai thác những lợi thế được thiên nhiên ban tặng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh Kon Tum xác định: Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh, như Hồng đẳng sâm, Đương quy, Đinh lăng... Tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, lan Kim Tuyến, Hồng Đẳng sâm...
Tỉnh Kon Tum hướng đến khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về dược liệu; sử dụng bền vững có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có; Phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, phấn đấu diện tích sâm Ngọc Linh đạt 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); diện tích trồng cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống; Khai thác khoảng 5.000 tấn dược liệu các loại, trong đó khai thác từ tự nhiên 700 tấn (Cu ly, Máu chó, Cốt toái bổ, Mật nhân, Chè dây...); khai thác từ dược liệu trồng khoảng 4.300 tấn (Hồng Đẳng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam...).
Người dân đầu tư dàn tưới tự động để trồng Hồng Đẳng sâm tại Kon Plông. |
Công nhân Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nhổ cây giống sâm Ngọc Linh tại vườn ươm để đem đi trồng. |
Đến năm 2030, diện tích vùng trồng dược liệu tập trung đạt khoảng 25.000 ha trong đó diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây); Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn. Hình thành mới 5 cơ sở sản xuất giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu…
Những cây giống sâm Ngọc Linh được gói bằng lá chuối để đem đi trồng. |
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum Nguyễn Tấn Liêm, để hình thành được vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và sớm trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng Chương trình/Dự án đầu tư phát triển dược liệu trọng điểm quốc gia sử dụng Ngân sách hỗ trợ của Trung ương.
Rải các lớp mùn để ươm hạt giống sâm Ngọc Linh trong rừng già. |
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến 2045 để các địa phương chủ động triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy mở rộng diện tích có sâm Ngọc Linh, đa dạng các sản phẩm chế biến từ sâm để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cho phép tỉnh Kon Tum thực hiện thí điểm trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bảo vệ rừng bền vững tài nguyên rừng đặc dụng.
Công nhân Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng sâm Ngọc Linh trong rừng già tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. |
Trên cơ sở đánh giá mô hình thí điểm để đề xuất cơ chế chính sách phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu có giá trị trong rừng đặc dụng của cả nước. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu, nhất là cơ chế tiếp cận vốn vay ưu đãi để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng phát triển dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng.