Kiểm tra chất lượng lương thực, thực phẩm dịp cuối năm

Cao điểm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận một lượng hàng hóa rất lớn để phục vụ người dân. Trong tình hình đó, chất lượng và sự an toàn của các loại thực phẩm luôn được người dân thành phố quan tâm hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00

Dân số của thành phố hiện khoảng 10 triệu người. Theo thống kê, mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ gần 2.000 tấn gạo; rau, củ, quả khoảng 4.200 tấn; hơn 1.000 tấn thịt các loại;... Phần lớn lương thực, thực phẩm đều phải nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận. Ðiều này, đồng nghĩa với việc người dân phải sử dụng các loại thực phẩm có thể không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa thật an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện, xử lý nhiều đối tượng cố tình tuồn thực phẩm quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn thực phẩm vào thành phố để kiếm lời. Theo thống kê qua đợt thanh tra, kiểm tra về điều kiện kinh doanh tại 26.005 cơ sở mới đây đã phát hiện hơn 2.600 cơ sở vi phạm; tịch thu, tiêu hủy hơn 12.700kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ðối với các cơ sở kinh doanh tự công bố về chất lượng, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm trong quá trình kinh doanh cũng đáng báo động. Cụ thể, khi các cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm tại chỗ 9.295 hồ sơ tự công bố thì có đến 5.000 hồ sơ (tỷ lệ 53,79%) có dấu hiệu vi phạm. Lãnh đạo các cơ quan chức năng nhiều lần khẳng định, thực phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại vượt mức cho phép,... là vấn nạn thành phố đối mặt thời gian qua. Các loại thực phẩm này nếu lưu thông ra thị trường, vào bếp ăn của người dân, trường học sẽ để lại hậu quả nặng nề...

Ðể góp phần bảo vệ sức khỏe người dân thành phố trong việc an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp đến, cơ quan chức năng thành phố, quận, huyện cần tập trung kiểm tra thường xuyên những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp cuối năm như thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, bánh, mứt... Những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tiếp tục duy trì xây dựng, triển khai các đề án, dự án bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát mối nguy và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm mới có hiệu lực đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó, có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như cảnh báo an toàn thực phẩm kịp thời đối với người tiêu dùng.

Ðối với các loại lương thực, thực phẩm nhập từ bên ngoài, thành phố cần tổ chức làm việc với các địa phương, hợp tác xã để quản lý, giám sát quá trình sản xuất, nuôi trồng nhằm hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích; tẩy chay các cơ sở, hợp tác xã vi phạm các quy định trong quá trình nuôi trồng, chăm sóc cây, con. Quan trọng hơn, thành phố cần thường xuyên duy trì chính sách truyền thông để các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về sử dụng lương thực, thực phẩm sạch, an toàn ■