Khởi sắc ở Hải Hà

Những năm qua, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đã huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai, thực hiện. Năm 2021, huyện đã về đích nông thôn mới và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch chè ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà, Quảng Ninh.
Thu hoạch chè ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Sau hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Hải Hà đã có cả 10 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ba xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Là một trong hai xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hải Hà, xã Quảng Sơn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 98%. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã vẫn còn chiếm tới hơn 80%, nhiều thôn cách trung tâm xã hơn hàng chục cây số và để đến được xã, người dân cũng phải đi gần một ngày.

Nhưng từ khi có làn gió nông thôn mới, diện mạo của Quảng Sơn đã có sự chuyển biến rõ nét trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, văn hóa, xã hội. Năm 2020, số hộ nghèo của Quảng Sơn là 63 hộ, thì hết năm 2022 số hộ nghèo chỉ còn 30 hộ và xã phấn đấu đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn Tằng A Nhì chia sẻ: Bản thân được giao nhiệm vụ triển khai một số mô hình phát triển kinh tế rừng cũng như các mô hình sản xuất, canh tác nông nghiệp tại bản Mố Kiệt, xã Quảng Sơn nên đã chủ động sắp xếp thời gian đến tận các hộ dân vừa là để tuyên truyền, vừa là trực tiếp cầm tay chỉ việc và chuyển giao các kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp cho người dân. Từ cách làm đó, hầu hết các hộ dân trong xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ gia đình mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tại xã Quảng Chính, từ khi có chương trình nông thôn mới, đến nay xã đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tích cực chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện phát triển dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Toàn xã đã xây dựng được 56 vườn chuẩn, đem lại giá trị kinh tế cao, hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và mô hình này đang được nhân rộng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%, số hộ dân dùng nước sạch từ nhà máy nước tập trung đạt 65%, số hộ gia đình đăng ký thu gom và xử lý rác thải đạt 95%.

Ông Nguyễn Văn Kiều ở thôn 4, xã Quảng Chính cho biết: Người dân trong xã luôn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp sức người, sức của xây dựng đường làng, ngõ xóm, vườn hoa, cây cảnh tạo môi trường khang trang, sạch đẹp. Hiện nay, người dân tiếp tục thi đua lao động, sản xuất để nâng cao hơn nữa đời sống, góp phần xây dựng xã ngày càng phát triển bền vững.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chính Bùi Thị Cúc cho biết: Được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và chung tay của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả tích cực về mọi mặt, nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã được đầu tư, hoàn thiện, tạo động lực, tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Cơ cấu lao động của xã từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động ngành dịch vụ-nông, lâm, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; thu nhập đầu người đến nay đạt 76 triệu đồng/người/năm.

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hải Hà đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao. Người dân thật sự là chủ thể của chương trình và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm huy động nguồn lực cho các xã triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thôn chuẩn, vườn chuẩn.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, tổ chức kiểm tra trực tiếp việc triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới tại các thôn chuẩn, vườn chuẩn của các xã và phát động phong trào “Ngày nghỉ cùng nhân dân” để huy động lực lượng duy trì tổ chức dọn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp.

Từ những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, Hải Hà đang dần trở thành huyện sáng, xanh, sạch, đẹp. Hầu hết các tuyến đường trục xã, đường liên thôn, ngõ xóm đã được bê-tông hóa, nhựa hóa. Các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, các thôn, xã trên địa bàn huyện đều có nhà đa năng phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao. Các trường học trên địa bàn được đầu tư sửa chữa và nâng cấp, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu dạy và học của con em nhân dân. Đặc biệt hiện tất cả thôn bản ở các xã đều có kết nối internet, tỷ lệ người dân sử dụng wifi qua điện thoại thông minh đạt hơn 90%.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà Nguyễn Hữu Liêm cho biết: Xác định việc nâng cao thu nhập cho người nông dân là nhiệm vụ xuyên suốt, vì vậy huyện đang nỗ lực đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển công nghiệp-xây dựng, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển đô thị nhằm tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhiều doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh; trong đó ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, có nhiều lợi thế với mục tiêu đến hết năm 2023 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…