Được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017, đến nay, các xã, thị trấn của huyện Kim Bảng đã tập trung thực hiện việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về hạ tầng thiết yếu như cơ sở hạ tầng đường giao thông và hệ thống các trường học, nhà văn hóa… nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân nông thôn. Đồng thời, điều đó giúp đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân...
Năm 2023, xã Hoàng Tây đã đạt 18/19 tiêu chí, 73/75 chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã huy động hơn 300 tỷ đồng đầu tư xây cơ sở, vật chất, hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, 100% các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa và bê-tông hóa; hệ thống thủy lợi bảo đảm tiêu thoát nước 100% diện tích đất nông nghiệp; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 97%.
Trường học, trạm y tế được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn quốc gia. 5/5 thôn có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 79 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%…
Là người rất tâm đắc với phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Thọ Lão, xã Hoàng Tây đánh giá: Tôi thấy cái được lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới đem lại đó chính là nhân dân thật sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, chính chúng tôi là đối tượng được thụ hưởng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt đó là người dân nông thôn được dùng nước sạch, hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng, trải nhựa, thuận tiện cho việc đi lại, nhà văn hóa xã, văn hóa thôn được xây dựng mới khang trang, hiện đại, vệ sinh môi trường được bảo đảm... Vì thế mà chúng tôi luôn nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.
Cũng như Hoàng Tây, các địa phương khác của huyện Kim Bảng đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 đều tích cực triển khai, hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí. Với tinh thần các chỉ tiêu, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, công trình hạ tầng ít vốn được đầu tư trước, nhiều vốn đầu tư sau tạo động lực, khí thế trong nhân dân.
Nhiều xã trong huyện Kim Bảng đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân trong huyện từng bước được nâng cao, năm 2023 thu nhập đạt 72 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới tính đến cuối năm 2023 giảm còn 1,51%. Các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, giao cho các hội đoàn thể giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cơ bản có việc làm thường xuyên từ nông nghiệp và hoạt động dịch vụ tại địa phương. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ước đạt 77,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 76,4%. Cơ cấu lao động đang dịch chuyển mạnh từ lao động trong ngành nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ, thu nhập và mức sống nhân dân từng bước cải thiện.
Đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Kim Bảng đã thu được kết quả tích cực. Toàn huyện đã có sáu xã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong sáu xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao đều đạt từ 69 đến 75 chỉ tiêu, 16 tiêu chí trở lên theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Toàn huyện có bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, từ khi được công nhận đến nay, các xã luôn quan tâm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu. Đặc biệt là các tiêu chí đăng ký nổi trội luôn được quan tâm chú trọng. Tiêu chí nổi trội các xã đăng ký như: Thanh Sơn-tiêu chí Giáo dục; Thi Sơn-tiêu chí Văn hóa; Nhật Tựu, Nguyễn Úy-tiêu chí Môi trường.
Bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bảng cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hằng năm Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã tổ chức hội nghị có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của huyện, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Trên cơ sở các ý kiến tham gia, đề xuất, kiến nghị, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện đề xuất phương án tham mưu, hướng dẫn cụ thể các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, cơ quan, đơn vị phụ trách các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, trong đó tập trung cho các xã đăng ký thực hiện xã nông thôn mới nâng cao của năm.
Theo đó, các địa phương thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương cũng chú trọng công tác bảo vệ môi trường nông thôn, tập trung giải quyết vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường sản xuất và xây dựng cảnh quan “xanh-sạch-đẹp”; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn theo hướng thiết thực, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thời gian tới huyện Kim Bảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân; củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý đủ sức triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao; tiếp tục rà soát, ban hành và thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng nông thôn mới, nhất là huy động nguồn lực xã hội… Đây là nền tảng vững chắc góp phần quan trọng để Kim Bảng phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2025.