Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị tăng cao là lợi thế của tỉnh; thúc đẩy ứng dụng khoa học-công nghệ gắn với cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến nông sản; đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, từng bước nâng cao giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh.
Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh giữ vai trò quan trọng và là động lực phát triển kinh tế của tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Đây được coi là mắt xích kinh tế chính của vùng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng nằm trong khu vực hợp tác phát triển “hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc”, là cửa ngõ kết nối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với quốc tế.
Kết nối giao thông để phát triển
Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại với hệ thống sân bay, đường cao tốc và cảng biển hiện đại tạo tiền đề cho việc tạo liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh là nơi kết nối và giúp các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp cận thị trường Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đồng thời có thể tích hợp vào hệ sinh thái hiện có của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng để tạo ra chuỗi cung ứng toàn diện có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Với những định hướng chiến lược và phù hợp, những năm qua, cùng sự điều tiết của cơ chế thị trường, sự tác động bởi những chính sách tích cực của tỉnh, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã có bước chuyển biến tích cực và toàn diện. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, quản lý hay, những trang trại, gia trại canh tác hiện đại, các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên về sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao và hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh.
Để thúc đẩy liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động thực hiện nhiều chương trình phối hợp tiêu thụ nông sản tới các địa phương, như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh; liên kết, kết nối với một số địa phương như Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng... để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, đồng thời thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Ninh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết: Tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế-xã hội động lực có sức lan tỏa để kích hoạt thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Với những quyết sách đúng và trúng, nông nghiệp của Quảng Ninh đang có bước phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, gắn với nhu cầu thị trường, sản phẩm nông, lâm, thủy sản đều có lợi thế và giá trị tăng cao.
Quảng Ninh xác định, sản xuất nông nghiệp không chỉ sản xuất ra nhiều nông sản là đủ, mà phải là những nông sản có lợi thế thị trường để mang lại giá trị cao; không chỉ liên kết trong nội bộ các khâu sản xuất nông nghiệp mà phải là liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, mô hình tổ chức sản xuất phải ưu thế, tôn trọng và tăng cường hợp tác vùng miền, hướng đến các nước trong khu vực.
Nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh xác định mục tiêu xây dựng nông dân và người dân khu vực nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, từng bước làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp hiện đại.
Theo đó, nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả theo mô hình tăng trưởng xanh, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để khu vực nông thôn phát triển toàn diện, trong đó phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và các vùng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Đến nay, Quảng Ninh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tập trung và duy trì 1.070 ha vùng trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 94 ha lúa chất lượng cao laponica và ST25; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, 46 vùng trồng được cấp mã số và 6 cơ sở đóng gói quả tươi...
Đối với cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, một số vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên hiện đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học; tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Để hướng đến nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, giàu có, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho rằng: Quảng Ninh cần tiếp tục hoàn thiện cơ cấu sản xuất trồng trọt gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; duy trì phát triển các vùng sản xuất các loại cây trồng chủ lực, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; từng bước cơ cấu lại cây trồng theo từng lợi thế của địa phương và thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản lượng hàng hóa lớn, đa dạng sản phẩm; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân khu vực nông thôn.
Đến nay, các vùng nông thôn Quảng Ninh đang trên tiến trình chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu song không tách rời quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn, nông dân văn minh là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh từ nay đến năm 2025. Đây cũng là động lực để tỉnh tiếp tục hiện thực hóa những mục tiêu phát triển quan trọng thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng.