Hành trình cán đích nông thôn mới của Ba Chẽ

Từ một huyện miền núi, đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, Ba Chẽ đã từng bước nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo nông thôn của Ba Chẽ đã thay đổi rõ nét, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Diện mạo nông thôn của Ba Chẽ đã thay đổi rõ nét, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Ðến nay, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, ngày càng khang trang, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Ba Chẽ đang quyết tâm phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hướng đến thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Ðông Bắc.

Ðể có được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới, những năm qua Ba Chẽ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xác định rõ người dân phải thật sự là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, xuất phát điểm thấp, năm 2010, huyện có năm xã đặc biệt khó khăn và chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt mức 4,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 48%, đến nay, sau 12 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tính tới cuối năm 2022, huyện có cả bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Lương Mông và Minh Cầm; thị trấn Ba Chẽ đạt đô thị văn minh, huyện đạt chuẩn cả chín tiêu chí, 36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đạt 66 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện là 0,79%. Nhà tạm không còn, người dân sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt hơn 72%.

Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ Vũ Thành Long cho biết: Chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Quy hoạch chung xây dựng các xã phải bảo đảm theo hướng phát triển xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; bảo đảm quan điểm mục tiêu phát triển hạ tầng, kinh tế-xã hội đồng bộ và khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh, văn hóa, thiên nhiên, con người, đặc biệt là mục tiêu người dân được tiếp cận, được thụ hưởng, được nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần. Huyện tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao, duy trì thị trấn Ba Chẽ đạt chuẩn đô thị văn minh.

Diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể, với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương; văn hóa, xã hội phát triển, môi trường được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nam Hả Trong (xã Nam Sơn) Nông Quốc Vững chia sẻ: Nhiều mô hình phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện và đã phát huy hiệu quả; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn được tăng cường; đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp; trường học được nâng cấp và xây mới đáp ứng được nhu cầu dạy và học; nhà văn hóa các thôn được xây mới và sửa chữa, mua sắm các thiết bị; các trạm y tế được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; đặc biệt, đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy đảng chú trọng; trong đó tập trung thực hiện quy hoạch và chỉnh trang khu dân cư; người dân đồng thuận hưởng ứng, hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; tham gia các chương trình, dự án từ cộng đồng để tự giúp các hộ nghèo nâng cấp nhà ở, cải thiện đời sống… nhằm thực hiện các tiêu chí về quy hoạch, tiêu chí về giao thông, thủy lợi, tiêu chí về nhà ở dân cư, nâng cao thu nhập, giảm nghèo...

Công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho bốn xã vùng cao Lương Mông, Minh Cầm, Ðạp Thanh, Thanh Lâm với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, còn lại do ngân sách huyện cân đối. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người dân của bốn xã, tạo nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 70 ha lúa hai vụ và 20 ha hoa màu tại xã Lương Mông, giảm ngập lụt cho vùng hạ lưu, tạo cảnh quan du lịch sinh thái cho vùng dự án nói riêng và huyện Ba Chẽ nói chung.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông cũng được huyện quan tâm, đầu tư thỏa đáng như dự án nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ Ðường tỉnh 330, Ðường tỉnh 342, tuyến đường Ðồng Dằm (Ðạp Thanh)-Khe Nà (Thanh Sơn)-Lang Cang (Ðồn Ðạc) với tổng kinh phí đầu tư hơn 131 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ chương trình dân tộc thiểu số. Ðến nay, công trình đưa vào sử dụng đã giải quyết dứt điểm tình trạng ách tắc giao thông trên tuyến đường từ xã Ðồn Ðạc đi xã Ðạp Thanh trong mùa mưa, lũ, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các khu vực trên địa bàn huyện.

Bà Ðàm Thị Hàn ở thôn Lang Cang, xã Ðồn Ðạc vui mừng cho biết: Trước đây người dân phải đi qua ngầm tràn, vào mùa mưa thường xuyên bị ngập, chia cắt với bên ngoài, không đi lại được, đặc biệt là trẻ em ở trong thôn phải nghỉ học cả tuần do mưa lũ. Bây giờ có cầu và đường đi lại thuận tiện, người dân trong thôn phấn khởi, nỗ lực sản xuất và đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ðến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Ba Chẽ đạt 15,2%/năm, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, nâng cao, các xã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Trung ương. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư, xây dựng mới đồng bộ; các trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Ðặc biệt, Ba Chẽ là địa phương có nhiều điểm sáng phong trào thi đua yêu nước; phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.