Từ trung tâm của huyện Yên Khánh về xã Khánh Thành dài chừng 15 km. Trên con đường chạy dọc theo các bờ kênh qua các xã Khánh Thủy, Khánh Cường là những hàng cây, những hàng rào hoa, đèn cao áp..., được quy hoạch bài bản, sáng, sạch và đẹp... Gió từ đồng lúa thổi vào mang theo hơi đất, khiến người ta cảm thấy dễ chịu khi đi trên những con đường này.
Dẫn chúng tôi đi thăm xứ đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Thành Hoàng Minh Thịnh say sưa cho biết, nhiều năm trước người dân ở đây có câu: “Ai đi xứ sự mười đông, không bằng công tác Khánh Công, Khánh Thành”, ý muốn nói vùng đất này rất khó khăn, giao thông nhỏ hẹp, do là vùng trũng nên đường sá thường xuyên lầy lội, từ sản xuất đến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng những năm gần đây, ai cũng biết đến Khánh Thành là một trong hai xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện. Ðể làm được điều đó, trước hết đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào và sự vào cuộc tích cực của người dân là điều cốt lõi tạo nên thành công trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã. Ðến nay, thu nhập bình quân xã đạt 75 triệu đồng/người/năm, cao gấp 2,5 lần so với năm 2013, nhất là đối với những vùng chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Dừng lại trước diện tích trồng cây bạch chỉ, ông Nguyễn Văn Bảy, thôn 18, xã Khánh Thành phấn khởi cho biết, gia đình ông hiện có 6 sào chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bạch chỉ và các loại rau màu khác. Bình quân mỗi sào bạch chỉ cho thu nhập từ 30-35 triệu đồng/vụ/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Là loại dược liệu quý, cây sinh trưởng tốt do phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, do đó năng suất rất cao, các doanh nghiệp về tận xứ đồng để thu mua, người dân không mất công vận chuyển. Cây sẽ cho thu hoạch sau sáu tháng trồng, những tháng còn lại, đất được quay vòng để trồng các loại rau màu khác, như vậy giá trị trên một đơn vị diện tích đất tăng nhiều lần so với trồng lúa. Gia đình ông Bảy cũng như nhiều hộ khác trong thôn đã vươn lên khấm khá từ khi được tỉnh và huyện hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ về kỹ thuật, giống cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho người dân yên tâm sản xuất.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh Trần Ngọc Diệp cho biết, sau khi Nghị định số 35/2015/NÐ-CP của Chính phủ ra đời, năm 2016 thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi, sau vài mùa vụ đã thu được kết quả rõ nét; những mô hình như trồng ổi, lê giống Ðài Loan (Trung Quốc), bạch chỉ, mướp đắng..., đang mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho người nông dân. Ðây cũng là một trong những thành công để Yên Khánh có nội lực hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới và sắp tới là huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Khánh Nguyễn Xuân Tuyển chia sẻ, xác định là huyện thuần nông, do đó khi xây dựng huyện nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm rất cao, huyện đã kết hợp hài hòa giữa các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã và đặc biệt là sự tham gia chủ động, tích cực của người dân đã góp phần quan trọng vào thành công chung trong xây dựng nông thôn mới.
Năm 2018, huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước một năm so với kế hoạch. Với tư duy có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, ngay sau khi được công nhận huyện nông thôn mới, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã rà soát, nâng cao các tiêu chí để phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Ðến nay, các tiêu chí và hồ sơ đã được hoàn thành và được trình lên Trung ương.
Huyện Yên Khánh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; toàn huyện có 186 trong số 248 thôn, xóm được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Ðây cũng là tiền đề thúc đẩy quá trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình hướng tới thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn và đời sống người dân, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bám sát quan điểm xây dựng nông thôn mới không chạy theo thành tích, làm đến đâu chắc đến đó, người dân được thụ hưởng thật sự. Nhờ đó, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình đã trở thành nhu cầu của mỗi người dân, đây là kết quả tốt nhất, tự hào nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình. Ðồng thời cũng là hướng đi vững chắc, phù hợp của các vùng nông thôn chung quanh thành phố di sản thiên niên kỷ mà Ninh Bình đang hướng tới.
Mặt trời đổ bóng tháng 4, những hàng cây tùng, cây phi lao, cây nhãn chạy dài theo những bờ kênh, mang theo bóng mát bên dòng nước ngọt, uốn lượn dọc dài khắp miền quê trù phú, mang nét đặc trưng, thơ mộng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Một Yên Khánh hiện lên giống như hình dáng con chim Bằng đang tung sải cánh bay lên, biểu tượng cho ý chí và nghị lực của các thế hệ con người nơi đây, trải qua bao gian nan thử thách, tình đất, tình người vẫn thủy chung, gắn bó, kiên cường vững bước đi lên.